Về nơi nguồn cội

08:12, 17/04/2015

Một ngày đầu tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại xã Điềm Mặc, nơi che chở cho nhiều cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Với những người làm báo, nơi đây còn có một ý nghĩa đặc biệt. Cách đây 65 năm, tại xóm Roòng Khoa (nay là xóm Đồng Lá 3), đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 21-4-1950)... 

 

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trở lại nơi này là hình ảnh một miền quê giàu truyền thống cách mạng đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Những con đường liên thôn, liên xóm được mở rộng và đổ bê tông. Trường học, Trạm Y tế xã được xây dựng khang trang, những ngôi nhà mới xây dựng khang trang, sạch đẹp mọc lên san sát, những đồi đồi chè bát úp mơn mởn lộc biếc... Tất cả các hình ảnh ấy là minh chứng về một cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc của người dân vùng chiến khu xưa. Ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc cho biết: Vài năm trở lại đây, diện mạo nông thôn của xã đã có sự đổi thay khá rõ nét, chất lượng cuộc sống của người dân cũng từng bước được nâng lên, cụ thể: Mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 8 triệu đồng (năm 2010) lên 12,4 triệu đồng (năm 2014); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 34% (năm 2011) xuống còn 26% (2015); 99% số hộ dân đã được sử dụng nguồn điện lưới Quốc gia, 85% số hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Đặc biệt, sau 3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã xây dựng thêm được hơn 6km đường bê tông liên thôn...

 

Lật giở lại những tư liệu lịch sử, ngay sau khi vừa giành được chính quyền cách mạng về tay nhân dân (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ tới tổ chức của những người làm báo. Bác đã giao cho đồng chí Xuân Thủy, với danh nghĩa là Chủ nhiệm báo Cứu quốc, đứng ra tập hợp các nhà báo, lập nên Đoàn Báo chí Việt Nam. Tháng 4-1949, theo sáng kiến của Bác Hồ, Tổng bộ Việt Minh đã chủ trương mở lớp viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái (Đại Từ), với gần 60 học viên từ các nơi gửi về. Đến năm 1950, báo chí cách mạng nước ta đã khá phát triển. Lúc này, biên giới Việt - Trung đã khai thông, báo chí Việt Nam cũng cần có sự liên hệ với hệ thống báo chí của các nước xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình trên, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã quyết định cho thành lập một tổ chức những người viết báo để giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và để đối ngoại. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Xuân Thuỷ được cử ra tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Ngày 21-4-1950, giữa cánh rừng ở xóm Roòng Khoa, Đại hội lần thứ Nhất Hội Những người viết báo Việt Nam đã diễn ra. Ngày này cũng đã được chọn làm Ngày truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam.

 

Cũng kể từ đó, đối với các thế hệ làm báo Việt Nam, Thái Nguyên đã trở thành cội nguồn xây dựng truyền thống báo chí thấm đẫm ân tình. Nhận thấy Khu di tích cần phải được tôn tạo xứng với tầm vóc, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh ta lập hồ sơ đề nghị công nhận điểm Di tích. Tháng 8-2004, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định công nhận Di tích lịch sử nơi thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tháng 4-2005, Bia kỷ niệm ra đời của Hội đã được xây dựng trên chính nền của Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Tấm bia như một dấu tích không thể mờ phai về một giai đoạn lịch sử vẻ vang của ATK nói chung và giới báo chí nói riêng. Vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam đã tài trợ trên 1,1 tỷ đồng đầu tư xây dựng tại đây một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Nhà trưng bày Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

 

Với niềm tự hào là nơi thành lập của tổ chức Hội, Hội Nhà báo Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực để tập hợp, phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của các hội viên. Đồng chí Giang Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho biết: Hội Nhà báo tỉnh hiện có 5 liên chi hội, chi hội và 2 câu lạc bộ báo chí với 250 hội viên. Trong những năm qua, Hội thường xuyên phối hợp với các tổ chức, cơ quan báo chí tổ chức bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ cho các hội viên. Hội cũng đứng ra tổ chức cho các hội viên tham gia dự thi các giải thưởng báo chí của địa phương, Trung ương nhằm ghi nhận những tác phẩm chất lượng, đồng thời động viên ý thức lao động sáng tạo của những người làm báo của tỉnh nhà...

 

Vinh dự và tự hào đối với những người làm báo Thái Nguyên khi Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam sẽ được tổ chức tại nơi ra đời của Hội và Nhà trưng bày Di tích Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là dịp để các thế hệ viết báo ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, của Hội nhà báo Việt Nam, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện cho buổi Lễ diễn ra trang trọng, tiết kiệm, Hội Nhà báo Thái Nguyên đã phối hợp với Văn phòng hội Nhà báo Việt Nam tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Theo đó, nhiều hoạt động sẽ được diễn ra trước và trong Lễ kỷ niệm như: Lễ kỷ niệm sẽ kết hợp tổ chức Hội nghị thi đua toàn quốc tại Hà Nội vào sáng 20-4; hành hương về nguồn, thăm lại Di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại Thái Nguyên; Hội Nhà báo Thái Nguyên, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài PT-TH Thái Nguyên phối hợp tổ chức buổi giao lưu nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, của Hội Nhà báo Việt Nam đồng hành với dân tộc trong chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại đỉnh Đèo De, xã Phú Đình...