Tình trạng thiếu đất san lấp ở nhiều dự án ngày càng trầm trọng, nhất là các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, một số dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã, đang phải đào, di chuyển hàng triệu mét khối đất mà không có chỗ đổ.
Mỏ than Khánh Hòa mỗi năm phải bóc tách, vận chuyển gần 3 triệu mét khối đất, đá đến khu vực đổ thải. |
Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, một số điểm mỏ tại Thái Nguyên có trên 100 triệu m3 đất, đá thải đủ điều kiện làm vật liệu san lấp thông thường nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, vướng mắc về thủ tục pháp lý. Cùng đó là lượng lớn tro xỉ đáy của 2 nhà máy nhiệt điện thải ra hàng ngày, đáp ứng được tiêu chuẩn làm vật liệu san lấp cũng chưa được tận dụng hiệu quả…
Trên địa bàn tỉnh có hàng chục dự án lớn đang triển khai nên nhu cầu đất san lấp lên đến gần 10 triệu m3/năm. Trong khi đó, tỉnh mới có 7 mỏ đất san lấp (5 mỏ còn hoạt động) với tổng công suất khai thác được cấp phép khoảng 700.000 m3/năm nên cung không đủ cầu.
Điều này dẫn đến nhiều dự án đang thi công trên địa bàn tỉnh thiếu đất san lấp nghiêm trọng. Nguồn đất trái phép có giá thấp hơn, nguồn đất san lấp từ các mỏ khan hiếm và phân bố không đồng đều khiến tình trạng khai thác đất trái phép có thời điểm diễn ra phức tạp.
Để lập lại trật tự, xử lý tình trạng thác đất san lấp trái phép, UBND tỉnh đã tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm. Đặc biệt, mới đây lực lượng Cảnh sát môi trường của Bộ Công an đã xử lý vụ việc khai thác đất trái phép ở xã Minh Đức (TP. Phổ Yên), một số đối tượng khai thác đất trái phép không dám hoạt động như trước.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay cũng có nhiều dự án khi triển khai xây dựng phải chuyển đi khối lượng đất thải khá lớn, như: Khu công nghiệp Sông Công 2, Khu công nghiệp Yên Bình; Dự án Tuyến đường liên kết vùng và một số dự án có quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng có khối lượng hàng vạn mét khối đất cần chuyển đi.
Tuy nhiên, chỉ một số đơn vị được phép di chuyển, bởi quy trình, thủ tục còn nhiều khó khăn do liên quan đến Luật Khoáng sản. Đối với các dự án xây dựng cần chuyển đất thải đi (đất có thể sử dụng làm vật liệu san lấp) thì trước tiên phải có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt đầu tư; kết quả thẩm định, đánh giá khối lượng cụ thể. Sau khi chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trình UBND tỉnh xem xét để cấp phép. Khi được cấp phép khai thác, chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí theo quy định của pháp luật mới được khai thác để làm vật liệu san lấp.
Ông Nguyễn Quốc Thành, một hộ kinh doanh được UBND tỉnh cấp phép Dự án chăn nuôi bò, lợn, thủy sản ở xã Tân Hòa (Phú Bình), thông tin: Trong quá trình triển khai Dự án, chúng tôi phải đào, vận chuyển khoảng 300-400 nghìn mét khối đất, đá dư thừa nên rất mong được cơ chức năng hướng dẫn, giúp đỡ hoàn thiện thủ tục tận thu. Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn lực và cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi được phép tận thu lượng đất san lấp nêu trên…
Khu bãi thải Bắc Làng Cẩm (Mỏ than Phấn Mễ) hiện có trên 40 triệu mét khối có thể sử dụng làm vật liệu san lấp. |
Theo Sở Xây dựng, nhu cầu vật liệu san lấp thông thường của Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025 là khoảng 176 triệu mét khối và giai đoạn 2026-2030 khoảng 117,5 triệu mét khối. Trong khi đó, trữ lượng còn lại của các mỏ đang khai thác chỉ còn khoảng 15 triệu mét khối.
Do vậy, Sở Xây dựng và UBND 9 huyện, thành đã rà soát nhu cầu sử dụng đất san lấp, lợi thế của địa phương để tham mưu với UBND tỉnh quy hoạch bổ sung các mỏ đất đủ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh và có khả năng cung cấp cho các địa phương lân cận khi dư thừa.
Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên hiện có số lượng đất, đá thải lên đến hàng chục triệu mét khối, phát sinh từ các mỏ khai thác khoáng sản, nhất là các bãi thải mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam. Đây được đánh giá là nguồn vật liệu phục vụ san lấp khá tốt.
Trong đó, chỉ riêng khối lượng đất, đá thải của Mỏ than Phấn Mễ và Mỏ than Khánh Hòa đã có khoảng 100 triệu mét khối. Nguồn đất, đá thải này khi được cấp phép sử dụng sẽ giúp các mỏ giảm bớt chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khu đổ thải, đảm bảo môi trường.
Nhận thấy nhu cầu về vật liệu phục vụ san lấp và tính đặc thù trong hoạt động khai thác khoáng sản, cuối tháng 10 vừa qua, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (đơn vị chủ quản Mỏ than Phấn Mễ) đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị cấp phép tận thu, sử dụng hơn 40 triệu mét khối đất, đá thải của Mỏ than Bắc Làng Cẩm (xã Phục Linh, Đại Từ) làm vật liệu san lấp thông thường.
Theo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, bãi thải số 3 đã đạt chiều cao thiết kế, không còn hoạt động đổ thải, nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ sạt trượt, mất an toàn. Nếu được cấp phép để sử dụng làm vật liệu san lấp sẽ góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống gần bãi thải và đem lại lợi ích kinh tế cho tỉnh và doanh nghiệp.
Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, Công ty Nhiệt điện An Khánh cũng đã có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện các quy trình kiểm nghiệm vật liệu để tận dụng lượng tro xỉ đáy làm vật liệu san lấp thông thường…
Khi đề nghị của doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nguồn đất dư thừa, nguồn thải đủ điều kiện làm vật liệu san lấp được cấp có thẩm quyền cấp phép thì tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước được giải quyết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin