Nếu như từ nửa cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN), hộ cá nhân kinh doanh phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tại phần lớn các ngân hàng (NH), thì bước sang năm 2023, người vay có thể nhận nợ tối đa trong hạn mức được cấp, hoặc thuận lợi hơn trong việc làm thủ tục vay mới… Tuy nhiên, mức lãi suất cao khiến người vay không khỏi băn khoăn.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên (ảnh mang tính chất minh họa). |
Đầu năm nay, ông Nguyễn Văn Thư, chủ một cửa hàng nội thất trên đường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), quyết định vay 1,5 tỷ đồng để lấy thêm hàng bán trong dịp Tết, vừa trả nợ một số khoản vay trước đó.
Ông Thư chia sẻ: Dù vẫn dự đoán việc vay vốn sẽ trở nên thuận lợi hơn trong những ngày đầu năm 2023, nhưng khi được cán bộ NH thông báo có thể nhận nợ bất cứ lúc nào từ ngày 3-1 (ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch - P.V), tôi thấy như trút được một gánh nặng. Trước đó, do khó tiếp cận nguồn vốn NH nên tôi đã phải vay hơn 1 tỷ đồng của bạn bè, người quen. Trong số này, có khoản tôi phải trả lãi lên tới 15-16% (tương đương lãi suất của một số NH thương mại cổ phần (TMCP) nhỏ hồi cuối tháng 11). Giờ đây, khi NH nơi tôi thường vay vốn đã giải ngân bình thường trở lại, với lãi suất kỳ hạn 10 tháng là 11%/năm, tôi được vay hết hạn mức. Điều này giúp tôi giảm đáng kể tiền lãi phải trả trước đó. Ngoài ra, tôi cũng sẽ làm thủ tục vay mới khoảng 2 tỷ nữa để lấy vốn mở cửa hàng bán xe đạp. Tôi có kế hoạch mở cửa hàng này từ cách đây 3 tháng, nhưng do không có vốn nên phải chậm lại.
Còn theo bà Trần Thị Liên, kế toán trưởng của một DN kinh doanh sắt thép ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên): Suốt từ quý II/2022 trở đi, giá sắt thép liên tục điều chỉnh giảm khiến các DN kinh doanh mặt hàng này đều bán rất chậm. Tuy nhiên, những ngày giáp Tết này, sắt thép lại có nhiều biến động theo xu thế tăng. Vì thế, chúng tôi đã tranh thủ nhập hàng nhiều nhất có thể.
So với cùng kỳ năm 2022, năm nay, lượng hàng nhập trước Tết của DN nơi chị Liên làm việc tăng khoảng 30-40%. Rất may, việc vay vốn của các NH đã trở nên thuận lợi, nên việc mua bán của DN cũng chủ động hơn. Cũng theo chị Liên: Kể từ đầu tháng 1/2023, khi có nguồn tiền về, chúng tôi đều đổ luôn vào tài khoản tiền vay hoặc tài khoản thấu chi để đỡ đi phần lãi suất. Trước đó, chúng tôi phải giữ lại chút ít do lo ngại trường hợp đổ vốn vào rồi mà không vay lại được.
Tuy nhiên, chị Liên cũng cho rằng, lãi suất NH hiện vẫn ở mức cao, đặc biệt là tại các NH TMCP. Điều này làm giảm tỷ suất lợi nhuận của DN. Vì vậy, việc vay vốn bao nhiêu, vay khi nào, được DN tính toán cẩn trọng.
Với việc các doanh nghiệp sản xuất thép khởi động trở lại sau một thời gian ngừng sản xuất được dự đoán sẽ góp phần làm tăng nhu cầu về vốn trong thời gian tới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Luyện thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). |
Thực tế tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 1, nhiều NH đã có mức tăng trưởng dư nợ khá cao do trước đó, nhiều món vay không thể giải ngân, đặc biệt là những NH có tỷ lệ cho vay DN lớn.
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên, cho biết: Tính đến ngày 15-1, dư nợ cho vay của Chi nhánh đã tăng từ 15.192 tỷ đồng (cuối năm 2022) lên 15.570 tỷ đồng (tương ứng tăng hơn 2% - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm qua). Trong khi đó, kế hoạch tăng tín dụng năm nay của Chi nhánh chỉ là trên 9% (năm 2022 là 11,8%). Vì thế, một số lĩnh vực sẽ tiếp tục được siết chặt, để tập trung cho vay sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Theo dự kiến, dư nợ cho vay của Chi nhánh sẽ tiếp tục tăng trong những ngày sau Tết do thị trường sắt thép đã có nhu cầu và hoạt động sản xuất trở lại, giá phôi cũng liên tục tăng.
Cũng theo ông Hà Mậu Quý, nhiều khả năng, 6 tháng đầu năm 2023, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức như hiện nay, còn về lâu dài hơn thì rất khó đoán định. Tuy nhiên, về vĩ mô thì theo dự báo, năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn năm 2022, do tại 2 thị trường đầu ra lớn nhất là Mỹ và EU người dân đang thắt chặt chi tiêu.
Đối với Thái Nguyên, với nhiều sản phẩm thô được xuất khẩu, bên cạnh những khó khăn chung thì nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ việc thị trường Trung Quốc mở cửa. Được biết, hiện lãi suất cho vay DN của BIDV trung bình ở mức 9-9,5%/năm, không vượt quá 10% ở kỳ ngắn hạn. Còn cho vay hộ kinh doanh và tiêu dùng, lãi suất cao hơn trung bình từ 1-2%/năm.
Trong khi các NH TMCP Nhà nước có lãi suất cho vay DN xoay quanh mức 9-10%, thì ở các NH TMCP đại chúng, lãi suất cho vay lại dao động từ 15-16% ở kỳ 6 đến dưới 12 tháng. Đây được cho là mức lãi suất quá cao, khó mang lại hiệu quả cho DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động đầu vào cũng đã lên tới 10,5-11%/năm (kỳ 6-12 tháng), thì việc cho vay ra với lãi suất cao cũng là điều dễ hiểu. Chính vì thế, khi các NH TMCP Nhà nước tiếp tục thực hiện việc cho vay ra, thì nhu cầu của nền kinh tế đối với khối các NH này đã có xu hướng giảm hoặc nếu tăng cũng không đáng kể.
Nguồn vốn tín dụng được ví như "mạch máu" của nền kinh tế. Chính vì thế, việc khó khăn trong tiếp cận hay phải chịu lãi suất ở mức cao như hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và hiệu quả kinh doanh của DN. Vì thế, việc lựa chọn nơi vay, kỳ hạn vay và sử dụng nguồn vốn cần được người vay cân nhắc, tính toán kỹ.
Ngoài ra, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên: Với việc tiếp cận vốn tín dụng ngày càng theo hướng minh bạch, đòi hỏi người vay phải có dự án tốt, tính khả thi cao và các thông tin phải đảm bảo tính chính xác.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin