Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Hỷ lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng địa phương trở thành huyện nông thôn mới (NTM). Gần nửa nhiệm kỳ trôi qua, toàn huyện đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng để tăng tốc về đích sớm.
Vùng nguyên liệu sản xuất chè VietGAP tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ). |
"Khơi nguồn" cho tam nông đổi mới
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM bắt đầu được triển khai ở Đồng Hỷ từ năm 2011. Thời điểm đó, toàn huyện mới đạt bình quân 5,4 tiêu chí/xã. Từ kết cấu hạ tầng, các mô hình sản xuất đến đời sống nhân dân khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn.
Sau 12 năm kiên trì, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân, bức tranh nông thôn ở Đồng Hỷ đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, huyện có 12/13 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã (Minh Lập, Hoá Trung, Văn Hán) đạt chuẩn NTM nâng cao và riêng xã Minh Lập đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2022.
Hiệu quả lớn nhất trong Chương trình xây dựng NTM ở Đồng Hỷ là trên địa bàn đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa sản phẩm chủ lực quy mô lớn, bao gồm: vùng sản xuất chè quy mô hơn 4.000ha, sản lượng búp tươi đạt gần 45.000 tấn/năm tại các xã trọng điểm: Văn Hán, Minh Lập, Khe Mo và thị trấn Sông Cầu; vùng sản xuất lúa có diện tích gần 6.500ha, sản lượng đạt trên 36.400 tấn/năm (trong đó diện tích trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản đạt trên 2.800ha, tập trung tại các xã: Nam Hoà, Hoá Trung, Tân Lợi); vùng trồng rừng kinh tế tập trung với tổng diện tích gần 19.000ha, sản lượng khai thác gỗ bình quân khoảng 157.000m3 gỗ/năm. Đặc biệt, đến thời điểm này, Đồng Hỷ cũng là địa phương duy nhất của tỉnh có diện tích rừng được cấp chứng chỉ phát triển rừng bền vững FSC, với hơn 1.300ha rừng tại Văn Hán.
Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân tích cực chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung (gia trại, trang trại). Đến nay, toàn huyện có 115 trang trại, trong đó có 17 trang trại chăn nuôi lợn; 89 trang trại chăn nuôi gia cầm; 3 trang trại chăn nuôi trâu, bò; 6 trang trại chăn nuôi kết hợp. Cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho năng suất cao, chất lượng tốt được hình thành đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hình thành vùng sản xuất chuyên canh, phục vụ nhu cầu thị trường.
Tiêu biểu có thể kể đến như: mô hình tưới chè bằng van xoay quy mô nông hộ, nhóm hộ; mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGAP; mô hình cánh đồng mẫu lớn; mô hình trồng hồng Việt Cường; mô hình trồng Bưởi đường lá nhăn; mô hình trồng khoai tây; các mô hình giống lúa, ngô mới; mô hình chăn nuôi trang trại gà theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm; mô hình chăn nuôi gà H’Mông...
Từ kết quả xây dựng NTM đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông nghiệp và nông thôn của huyện, nâng cao đời sống cho người nông dân. Cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang, đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện Đồng Hỷ còn hơn 7,5% (giảm 1,7% so với năm 2021); giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt gần 121 triệu đồng/năm…
Phát triển nghề nuôi ong lấy mật tại xã Hòa Bình (Đồng Hỷ). |
Tạo đà vững chắc để tăng tốc
Có thể khẳng định, Chương trình xây dựng NTM của huyện Đồng Hỷ đang từng bước đi vào chiều sâu, có sự tham gia chủ động của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương này bứt phá, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2025.
Xây dựng huyện NTM đồng nghĩa với việc Đồng Hỷ phải hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM; đảm bảo 100% số xã đạt chuẩn NTM, 10% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 100% các thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. |
Theo đó, đến thời điểm này, Đồng Hỷ đã đạt 3/9 tiêu chí huyện NTM, gồm: Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; y tế - văn hóa - giáo dục. 6 tiêu chí còn lại chưa đạt liên quan đến quy hoạch; giao thông; kinh tế; môi trường; chất lượng môi trường sống; hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công.
Trao đổi với chúng tôi về việc hoàn thành các tiêu chí còn lại, ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, cho biết: Toàn huyện còn duy nhất Văn Lăng, là xã vùng đặc biệt khó khăn, chưa đạt chuẩn NTM. Thêm nữa, một số xã tuy đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nhưng chưa thực sự bền vững, như tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, thu nhập của người dân đạt thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chưa được đầu tư xây dựng... Đặc biệt, việc hoàn thành 2 tiêu chí mang tính then chốt là nâng thu nhập và giảm nghèo đa chiều nhằm đảm bảo đạt chuẩn NTM một cách thực chất, bền vững còn khó khăn. Theo tính toán, các xã này cần nguồn lực tài chính khá lớn - khoảng 872 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Để khắc phục những khó khăn này, huyện đã xây dựng nhiều giải pháp, như: Triển khai các dự án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy mô nhóm hộ, hợp tác xã...
Song song với đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm như: nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng đi xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; xây dựng bến xe khách tại trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn loại IV; xây dựng mới các công trình Trung tâm văn hóa - Thể thao huyện, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, Trường THPT Đồng Hỷ; có mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã...
"Những giải pháp mang tính chiến lược đang được triển khai tích cực chính là cơ sở để Đồng Hỷ trở thành huyện NTM vào năm 2025 theo lộ trình đề ra." - ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện, khẳng định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin