Từ năm 2021 trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và hiện đã tăng khoảng 40% so với thời điểm năm 2020. Trái ngược với giá cám, giá thịt lợn, gà trên địa bàn tỉnh lại đang giảm sâu. Thực trạng này không chỉ khiến các hộ chăn nuôi mà ngay cả các đại lý kinh doanh mặt hàng này cũng gặp khó.
Khách hàng mua thức ăn chăn nuôi tại cửa hàng của chị Vũ Thị Tố Loan, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). |
Từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao, mỗi lần tăng 100-300 đồng/kg và hiện đang duy trì ở mức 280-360 nghìn đồng/bao 25kg cám gà. Đối với cám lợn là 300-370 nghìn đồng/bao 25kg (tăng khoảng 100 nghìn đồng/bao so với cùng kỳ năm 2022). Trong khi đó, giá thịt gà, thịt lợn lại liên tục "lao dốc" khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng.
Anh Đỗ Minh Tú, chủ một trang trại gà ở huyện Đồng Hỷ, giãi bày: Nếu như thời điểm này năm ngoái, 1 bao cám gà loại 25kg có giá 260 nghìn đồng thì nay đã tăng lên 360 nghìn đồng. Nếu tính các chi phí thức ăn chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin thì giá gà phải đạt 55 nghìn đồng/kg thì chúng tôi mới hòa vốn. Vậy nhưng từ sau Tết Nguyên đán, giá gà chỉ duy trì ở mức 45-47 nghìn đồng/kg, khiến bà con chúng tôi lỗ nặng. Do vậy, trong lứa gà mới nhất, nhà tôi đã cắt giảm quy mô đàn từ hơn 7.000 con xuống còn 5.500 con/lứa.
Tương tự, đối với các hộ chăn nuôi lợn, giá cám tăng cao cũng khiến bà con lo thua lỗ. Theo tính toán của người dân, để nuôi một con lợn thịt đạt trọng lượng trên dưới 100kg phải tốn trung bình 10 bao cám (tương đương 3,7 triệu đồng). Cộng với chi phí con giống, tổng là 4,7 triệu đồng (chưa kể tiền điện, nước, chi phí tiêm vắc-xin, khử trùng tiêu độc...). Với giá lợn hơi hiện chỉ đạt từ 44-46 nghìn đồng/kg, người nuôi phải chịu lỗ trung bình 600 nghìn đồng/con lợn 100kg. Để thích ứng, nhiều hộ chăn nuôi đã phải tăng công lao động để bổ sung thức ăn (cám gạo, ngô và thức ăn xanh) nhằm giảm lượng cám công nghiệp, duy trì sản xuất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khiến giá thịt lợn, thịt gà giảm là do nguồn cung cho thị trường trong tỉnh cũng như trong nước đang rất dồi dào. Ngoài ra, giá thịt lợn tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc, giảm mạnh cũng đã tác động lớn đến giá thịt lợn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù giá lợn giảm nhưng tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I/2023 toàn tỉnh ước đạt 53,4 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ. Theo lý giải của cơ quan chuyên môn, tổng sản lượng thịt hơi trong quý I tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát, bà con tập trung tái đàn phục vụ thị trường dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo dự báo, nếu giá cám vẫn ở mức cao và gây thua lỗ thì trong thời gian tới, nhiều hộ chăn nuôi sẽ cắt giảm đàn, số lượng đàn vật nuôi theo đó cũng sẽ có biến động.
Thực tế, tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi mà các đại lý, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do bà con giảm đàn, lượng tiêu thụ cám vì thế cũng "hụt" theo.
Chị Vũ Thị Tố Loan, chủ một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), chia sẻ: Nếu như năm 2022, trung bình 1 tháng, nhà tôi bán được từ 4 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng thì trong tháng 3/2023 chỉ đạt 1 tấn. Giá cám tăng, giá thịt lợn, gà lại giảm nên bà con nuôi cầm chừng và giảm quy mô nuôi khiến hàng hóa tiêu thụ chậm.
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá cám tăng là do giá cả các loại nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi như: ngô, đậu tương, lúa mì... trên thị trường thế giới đang ở mức cao. Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đã và đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đó, dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước cũng tăng theo.
Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh, nhận định: Trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Thêm vào đó, hiện nay, thị trường trong nước đang trong tình trạng cung vượt cầu, lại khó xuất khẩu theo đường chính ngạch nên giá bán sản phẩm chăn nuôi đang ở mức dưới giá thành. Vì vậy, ngoài việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có (như gạo, ngô, cám…) để phối trộn thức ăn, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần theo dõi sát thông tin thị trường và căn cứ vào thực tế chuồng trại để có quy mô chăn nuôi hợp lý, tránh tăng đàn. Cùng với đó, bà con cần tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, hạn chế dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại cho chăn nuôi...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin