Những năm gần đây, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo động lực cho kinh tế tập thể (KTTT) phát triển, song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề này được ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên.
HTX chè La Bằng (Đại Từ) là một mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: T.H |
P.V: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không ít lĩnh vực, thành phần kinh tế bị “chao đảo”. Với KTTT của Thái Nguyên, tình hình phát triển như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Cũng như trên phạm vi cả nước, các đơn vị KTTT (HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân) tại Thái Nguyên cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, nhất là các HTX đã tham gia sâu vào thị trường, có hoạt động xuất khẩu.
Tuy vậy, nhìn chung thì khu vực kinh tế này vẫn khá bình ổn, đồng thời khẳng định được rõ hơn vai trò hỗ trợ kinh tế hộ. Thực tế đó tiếp tục chứng minh tính ưu việt của KTTT, đó là sự liên kết, đoàn kết, tương trợ nhau để cùng phát triển.
Toàn tỉnh hiện có 360 tổ hợp tác (THT) có hợp đồng hợp tác báo cáo với chính quyền các địa phương theo quy định, với khoảng 7.500 thành viên và người lao động, không tính khoảng 4.000 THT hoạt động theo nhu cầu tự phát (không có hợp đồng hợp tác theo quy định mà chỉ là các tổ, nhóm sở thích hỗ trợ nhau trong sản xuất nông nghiệp) với trên 100.000 thành viên; 718 HTX (riêng năm 2022 có 78 đơn vị thành lập mới, giải thể 03 HTX) với tổng số trên 42.500 thành viên và người lao động, tổng doanh thu của các HTX năm 2022 đạt trên 3.100 tỷ đồng; 5 liên hiệp HTX.
Nhìn chung, số lượng và chất lượng các đơn vị KTTT trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên.
P.V: Phát triển ngày càng mạnh nhưng khu vực KTTT luôn cần được hỗ trợ. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Các tổ chức KTTT ra đời và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Dù đang có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung khu vực này vẫn là khu vực yếu thế, còn gặp nhiều khó khăn và không ít tồn tại.
Các HTX, THT tại Thái Nguyên cũng như cả nước phần lớn hoạt động ở khu vực nông thôn, nông nghiệp, địa bàn khó khăn, quy mô nhỏ, trình độ cán bộ và khả năng quản trị còn nhiều hạn chế, thiếu vốn, lúng túng trong tổ chức sản xuất, xây dựng mối liên kết và tiêu thụ sản phẩm… nên dễ bị “tổn thương”. Thành viên của các tổ chức KTTT rất đa dạng, ở đó có không ít người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Ngoài ra còn một “rào cản” rất đáng kể nữa đối với phát triển KTTT là nhận thức của nhiều người dân và không ít cán bộ về mô hình này chưa đúng, chưa đầy đủ, thậm chí còn có định kiến. Thực trạng đó khiến khu vực KTTT càng phải được quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để phát huy tốt vai trò của mình.
P.V: Xin ông cho biết, có hay không tình trạng một bộ phận người dân, ngay cả một số thành viên và cán bộ trong các tổ chức KTTT, chưa nắm rõ bản chất và các chính sách hỗ trợ với khu vực kinh tế này.
Ông Nguyễn Văn Dũng: Đúng là có thực trạng đó. Vì vậy, công tác tuyên truyền về KTTT càng phải được đẩy mạnh hơn nữa. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, nêu nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu là cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các chính sách hỗ trợ KTTT hiện đang triển khai gồm: tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực, hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại… Ví dụ như tại Thái Nguyên đang có 22 HTX được hỗ trợ kinh phí để trả lương cho nhân lực trẻ tốt nghiệp đại học làm việc tại đơn vị.
P.V: Với vai trò là nòng cốt, cơ quan Thường trực Đề án phát triển KTTT tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Cùng với tham mưu cho tỉnh xây dựng và chỉ đạo triển khai các văn bản, chính sách phát triển KTTT, chúng tôi thường xuyên chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ KTTT.
Trong năm 2022, Liên minh HTX tỉnh chủ trì phối hợp tổ chức 30 lớp tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 và các chính sách khuyến khích phát triển KTTT; tổ chức 19 lớp tư vấn, cung cấp thông tin cho trên 1.300 lượt người; hướng dẫn 20 HTX về công tác tài chính, 26 HTX sử dụng phần mềm kế toán; 32 lớp củng cố HTX cho trên 1.400 lượt người; giải ngân hỗ trợ 33 HTX thành lập mới; hỗ trợ trên 60 lượt HTX tham gia trưng bày sản phẩm, kết nối cung – cầu trong và ngoài tỉnh…
Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT ngày càng đa dạng và ở mức cao hơn, thực sự tạo “đòn bẩy” cho khu vực kinh tế này. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là nỗ lực của chính các đơn vị và từng thành viên.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin