Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thái Nguyên tiếp tục xác định công tác quy hoạch, phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quy hoạch phải "đi trước một bước". Trải qua nửa nhiệm kỳ, bộ mặt đô thị của Thái Nguyên có sự thay đổi nhanh chóng và một đô thị hiện đại đã được định hình.
Để có cái nhìn rõ nét về xu hướng phát triển đô thị Thái Nguyên, nhân dịp đầu Xuân 2023, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Cường, Hội viên Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên.
Dòng sông Cầu uốn lượn chảy qua tạo cảnh quan tươi đẹp cho TP. Thái Nguyên. |
P.V: Những năm gần đây, Thái Nguyên có nhiều đột phá trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, vậy sự phát triển đó được nhận diện như thế nào dưới lăng kính của người làm kiến trúc, thưa ông?
KTS Nguyễn Văn Cường: Rõ ràng, công tác quy hoạch ngày càng được tỉnh ta quan tâm đúng mức, thể hiện ở sự vào cuộc của tập thể lãnh đạo, đóng góp trí tuệ của nhiều nhà trí thức, các tầng lớp nhân dân.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, TP. Thái Nguyên tiếp tục xác định công tác quy hoạch, phát triển đô thị là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách và huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Và, đáp số của sự tư duy đúng về công tác quy hoạch chính là thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Năm nay Thái Nguyên có thêm 1 thành phố Phổ Yên. Như vậy, hiện Thái Nguyên có 14 đô thị thuộc cấp tỉnh và cấp huyện. Trong đó có 3 đô thị cấp tỉnh, 9 đô thị cấp huyện, 2 đô thị mới loại V. Tỷ lệ đô thị toàn tỉnh hiện đạt trên 41%. Riêng các đô thị động lực, tập trung tại khu vực phía Nam dọc theo Quốc lộ 3 và đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Đến nay, 100% đô thị được lập quy hoạch chung, gần 50% diện tích đất nội thị được quy hoạch chi tiết, các đô thị lớn như: TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên đã được phủ quy hoạch phân khu toàn bộ nội thành. Chất lượng các đồ án quy hoạch được nâng lên, phần lớn quy hoạch sau khi được phê duyệt đều được triển khai cụ thể bằng các dự án phát triển đô thị. Tốc độ đô thị hóa được đẩy nhanh với các “điểm nhấn” đã và đang được hình thành như: Dự án khu đô thị Xương Rồng, khu đô thị Crown villas, đường Minh Cầu nối đường Bắc Sơn và khu dân cư số 1 Hoàng Văn Thụ, cầu Cao Ngạn – Chùa Hang, các khu dân cư xã Quyết Thắng…
Hệ thống hạ tầng khung của các đô thị, khu dân cư được đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng thông minh – xanh – sạch – đẹp ngày càng rõ nét. Đồng thời, thông qua những công trình mang tính ghi dấu lịch sử như: cầu Bến Tượng, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bia tưởng niệm chiến sĩ bảo vệ cầu Gia Bảy… đã khơi dậy ký ức để cùng kết nối với những dự án hiện đại sâu chuỗi tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị trung tâm TP. Thái Nguyên, tương xứng với vai trò là trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc.
P.V: Xây dựng các mô hình đô thị thông minh (smart city) đang là xu hướng. Vậy ông quan điểm thế nào về việc sẽ xây dựng Thái Nguyên trở thành một smart city?
KTS Nguyễn Văn Cường: Đô thị hiện đại ngày nay và trong tương lai sẽ đi cùng với sự tiến bộ về công nghệ. Ở đó, đô thị được xây dựng và quản lý chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sống và làm việc của công dân đô thị.
Kịch bản phát triển đô thị hiện đại này hoàn toàn phù hợp với hướng phát triển của Thái Nguyên, sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực, mang lại chất lượng sống cao cho người dân, chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội đầy đủ và tiện nghi.
Tuy nhiên, quá trình phát triển cần áp dụng một cách linh hoạt, đúng đắn các yếu tố công nghệ mới trong các điều kiện đặc thù của địa phương, có sự cân bằng trong ứng dụng công nghệ cao – thấp, đặc biệt là đón đầu cách mạng xanh trong dòng chảy chung trên thế giới. Đó là xu hướng tiến tới mô hình mới hiệu quả về năng lượng với nhiều gam màu “diệp lục tự nhiên”, gần gũi với thiên nhiên, bền vững với môi trường.
Dự án Tháp đôi Prime (đường Hoàng Văn Thụ) đang được hoàn thiện, sẽ tạo điểm nhấn cho không gian đô thị khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên. |
P.V: Vậy theo ông, đô thị Thái Nguyên đang thiếu và cần gì?
KTS Nguyễn Văn Cường: Mặc dù đô thị Thái Nguyên đã có nhiều tiến bộ, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, Thái Nguyên có kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại; hệ thống giao thông đã được đầu tư phát triển nhưng chưa hoàn thiện; việc phát triển dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng chất lượng cao còn hạn chế; chất lượng mỹ quan đô thị chưa cao, chưa có bản sắc rõ ràng; liên kết vùng còn hạn chế…
Với mục tiêu đến năm 2050: Phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: xanh - thông minh - có bản sắc rõ ràng, cần có quy hoạch mang tính giai đoạn khả thi và tầm nhìn bền vững Trong đó xác định rõ các tuyến giao thông cấp đô thị đến cấp nội bộ phải được cắm tuyến để quản lý quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch. Đồng thời xác định rõ cơ cấu các khu chức năng đô thị, lưu ý đến tỷ lệ cây xanh trong quy hoạch xây dựng đô thị.
Và để tạo dựng bộ mặt đô thị bằng các điểm nhấn khu trung tâm, trục phố chính… cần có thêm sự “lãng mạn” trong quy hoạch và xây dựng.
P.V: Cụ thể sự “lãng mạn” mà ông nói được thể hiện như thế nào trong đô thị hiện đại, thưa ông?
KTS Nguyễn Văn Cường: Trong khía cạnh nghệ thuật, tổ chức không gian đô thị, quy hoạch xây dựng chính là nghệ thuật tổ chức không gian. Không gian đô thị “lãng mạn” nhiều khi là biểu tượng của đô thị, là bản sắc riêng, là niềm tự hào của đô thị ấy, khiến người dân muốn ở, du khách muốn đến thăm.
Đối với Thái Nguyên, là tỉnh có dòng sông Cầu thơ mộng chảy qua với chiều dài 22km, trong đó chảy qua khu vực nội thị là 14km, theo tôi, có thể lấy dòng sông làm điểm nhấn. Từ đó lùi sâu một số đoạn đê vào trong nội thị, khoảng ngoài nếu có thể dành cho các kiến trúc phù hợp ngoài đê. Tất nhiên là phải lựa chọn kiến trúc phù hợp.
Xin cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin