Để ổn định đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện ngay các phương án tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm giúp mọi người đều được đón Tết trong không khí đầm ấm, an vui, không ai bị bỏ lại phía sau.
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều khu, cum công nghiệp với số lượng lao động rất đông. Năm 2022, tác động xấu từ dịch bệnh COVID-19 đã khiến hoạt động của không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Đã có lúc, một số doanh nghiệp lớn phải dừng, giãn hoạt động vì thiếu việc làm, hàng tồn kho nhiều. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động.
Mặc dù đã được cải thiện, song gần Tết Nguyên đán vẫn còn không ít đơn vị khó khăn về sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, dẫn đến doanh thu, lợi nhuận giảm. Việc tăng lương hoặc thưởng Tết ở một số doanh nghiệp dù vẫn được duy trì nhưng thấp hơn so với mọi năm.
Trước thực tế trên, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan có trách nhiệm theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ; giám sát, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm hơn tới đời sống người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có giải pháp hỗ trợ.
Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động…
Đối với người dân, tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, chăm lo đời sống cho nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.
Thực hiện kịp thời việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định hiện hành. Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp,… để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định trong dịp Tết.
Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Các địa phương tăng cường vận động tổ chức, cá nhân và bố trí ngân sách chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách; quan tâm thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách xã hội của địa phương đang được quản lý, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội (Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội, Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần kinh, Trung tâm Bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt).
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát, tổng hợp số hộ, số nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết, giáp hạt đầu năm 2023, đồng thời huy động nguồn lực, trong đó có ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hợp pháp khác để hỗ trợ kịp thời cho các hộ thiếu đói, nhất là các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu chính quyền cơ sở tổ chức mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, văn minh, phù hợp với phong tục, tập quán và quy định của Nhà nước.
Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19, trẻ em tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm tất cả trẻ em đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm. Đặc biệt lưu ý công tác quản lý người lang thang, cơ nhỡ, ăn xin trên địa bàn, phân loại đối tượng và có phương án trợ giúp họ theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin