Là huyện miền núi, Đại Từ có địa hình tương đối phức tạp với nhiều sông, hồ, khe suối. Đây cũng là địa phương có lượng mưa lớn, trung bình từ 1.400-1.600mm/năm. Với đặc thù như vậy, trên địa bàn huyện Đại Từ dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Lũ quét, sạt lở đất, dông lốc, mưa đá… Do đó, địa phương luôn chủ động phương án, chuẩn bị đầy đủ vật tư, lực lượng ứng phó.
Nằm ở ven chân núi Tam Đảo, từ nhiều năm nay, xã Quân Chu được xác định là một trong những vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra lũ quét. Đơn cử, tháng 4-2021, trận lũ ống bất ngờ xảy ra khiến nhiều công trình nhà ở, giao thông trên địa bàn bị hư hại nghiêm trọng. Để chủ động ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, đầu tháng 5-2022, UBND xã Quân Chu đã ban hành phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất tại 2 xóm Chiểm và Tân Tiến.
Ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu, thông tin: Trên cơ sở xác định 12 hộ với 53 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, xã đã thành lập 2 điểm trực cảnh báo nguy hiểm tại 2 xóm. Chúng tôi cũng xây dựng phương án di dời về người, tài sản khi có tình huống xảy ra. Việc bố trí lực lượng khi tổ chức di dời, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, địa điểm sơ tán các hộ bị ảnh hưởng, công tác hậu cần, y tế… đều được lên kế hoạch cụ thể. Trong điều kiện lực lượng của xã không đáp ứng đủ, xã sẽ đề nghị có sự hỗ trợ của chiến sĩ thuộc Trung đoàn 832 để di dời người dân đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả thiên tai.
Hiện, khu tái định cư dành cho các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng bởi thiên tai tại xã Quân Chu đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục cần thiết, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6 tới. Trước mắt, khi có mưa lớn, xã sẽ thông báo tới các hộ dân nhanh chóng di chuyển người, tài sản đến các địa điểm an toàn như nhà văn hóa, nhà người thân… nằm ngoài khu vực xung yếu, phòng ngừa nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra.
Giống như Quân Chu, 29 xã, thị trấn còn lại của huyện Đại Từ cũng đã có phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Ngay từ đầu năm, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN). Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, đảm bảo lực lượng, phương tiện ứng cứu theo phương án “4 tại chỗ”. Trong đó, huy động dân quân tự vệ các xã, thị trấn, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn… tham gia vào công tác PCTT-TKCN. Các phương tiện, vật tư phục vụ công tác ứng phó, khắc phục thiên tai được chuẩn bị đầy đủ, gồm: 2.000 bao tải, 70kg dây thừng, 500 rọ thép, 700 áo phao và nhiều xà beng, cuốc, xẻng…
Bên cạnh phương án đảm bảo thông tin liên lạc, tuần tra canh gác, hậu cần, kỹ thuật…, năm nay, huyện Đại Từ thực hiện Dự án ổn định dân cư tại chỗ vùng thiên tai đối với 6 xã. Cụ thể, Dự án gồm các hạng mục xây dựng đường tràn liên hợp cống hộp thoát lũ xóm Khuân U, Trung Tâm của xã Na Mao; nâng cấp cầu tràn thoát lũ Đức Long và kè chống sạt lở suối Mang, xóm Chùa ở xã Khôi Kỳ; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng đường tràn liên hợp ở các xã Ký Phú, Tân Linh, Hoàng Nông, Đức Lương.
Ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, cho biết: Trên cơ sở dự báo các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra, huyện xác định những khu vực trọng điểm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng. Trong phương án PCTT-TKCN của huyện, chúng tôi đã tham mưu một số tình huống giả định có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay và chuẩn bị phương án ứng phó, khắc phục. Dự kiến, đầu tháng 6 tới, Đoàn kiểm tra của huyện sẽ làm việc trực tiếp với các xã, thị trấn, các điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn về công tác PCTT-TKCN; thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình các khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai như: Thị trấn Quân Chu và các xã Quân Chu, Na Mao, Yên Lãng, Phục Linh…