Xác định việc xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm nên huyện Phú Lương đã và đang tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí. Sau nhiều nỗ lực, địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng, sẵn sàng về đích đúng hẹn. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí (đ/c) Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương về nội dung này.
Người dân xã Phủ Lý (Phú Lương) hiến đất mở rộng đường giao thông. |
P.V: Đồng chí có thể khái quát về kết quả đạt được trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của huyện trong thời gian qua?
Đ/c Nguyễn Quốc Hữu: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Phú Lương xác định đến hết năm 2025, có 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu và cơ bản đạt các tiêu chí trong xây dựng huyện NTM.
Tính đến hết năm 2023, 13/13 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã nâng cao, 2 xã kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 52 triệu đồng/người/năm; trên 90% đường giao thông được cứng hóa; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, toàn huyện còn 736 hộ nghèo, chiếm 2,68% và 789 hộ cận nghèo, chiếm 2,88% (thấp hơn bình quân chung của tỉnh).
Đến nay, huyện đạt 3/9 tiêu chí; 27/36 chỉ tiêu (9 chỉ tiêu còn lại đã tiệm cận mức đạt). Với hướng đi đúng đắn, tinh thần quyết tâm cao, đoàn kết đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân, với những cách làm sáng tạo từ cơ sở, chúng tôi tin chắc sẽ hoàn thành tiến độ theo đúng kế hoạch đề ra.
P.V: Một trong những điểm sáng trong thực hiện xây dựng NTM của huyện là công tác dân vận, huy động nguồn lực trong nhân dân. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về nội dung này?
Đ/c Nguyễn Quốc Hữu: Trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức xã hội trong công tác tuyên truyền vận động và tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, người có uy tín gắn với công tác thi đua, khen thưởng, qua đó xuất hiện những mô hình mới, cách làm hay, những tấm gương tiêu biểu. Chỉ tính riêng năm 2023, nhân dân trong huyện đã hiến 2,9ha đất, đóng góp gần 9 tỷ đồng và trên 9.200 ngày công lao động để cải tạo, nâng cấp 33 tuyến đường, với tổng chiều dài trên 25km; xây mới, sửa chữa 13 nhà văn hóa.
Đơn cử như tại xã Phấn Mễ, để chia sẻ với những hộ hiến đất, các hộ dân trong xã đã chủ động đóng góp kinh phí và thành lập các nhóm, đội cùng hỗ trợ kinh phí, đóng góp ngày công xây dựng lại hàng rào, vật liệu kiến trúc cho các hộ phải dỡ bỏ theo đúng tinh thần “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Hay tại xã Phú Đô, khi chỉ đạo phong trào hiến đất, người đứng đầu thôn, xóm đều là người tiên phong hiến đất, tài sản trên đất, nhờ đó đã lan tỏa tinh thần tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất đến mọi người dân trong xóm. Từ những tấm gương như thế đã giúp Phú Lương thành công như hôm nay.
P.V: Với quan điểm “Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, địa phương có định hướng như thế nào trong thực hiện Chương trình này trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Quốc Hữu: Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Phú Lương là khu vực phát triển ngành nông, lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng. Theo đó, những năm qua, ngành nông nghiệp của huyện đã tập trung tái cơ cấu; chú trọng phát triển các sản phẩm mũi nhọn như: chè, lúa gạo, chăn nuôi… Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hình thành các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung an toàn, ứng dụng công nghệ cao, để hình thành sản phẩm thương hiệu địa phương (OCOP), thương hiệu Quốc gia. Đây được coi là điểm then chốt trong thực hiện xây dựng NTM cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về quan điểm chỉ đạo, huyện có 4 nội dung xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM, gồm: (1) Tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng phát triển các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; (2) Xây dựng môi trường nông thôn quang đãng, sạch đẹp, thay đổi kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng ngày càng hữu dụng; (3) Lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, lan tỏa, kết nối sự đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa là động lực của sự phát triển; (4) NTM không phải lấy thành tích, mà tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tất cả để các tiêu chí trong xây dựng NTM không chỉ đạt, bền vững mà còn ngày càng được nâng cao.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin