Tôi mở xấp bài của học sinh ra bắt đầu chấm. Trước kỳ nghỉ lễ 30-4, tôi ra đề cho các em: “Nếu cho em một điều ước, em sẽ ước gì? Hãy kể lại và giải thích vì sao em lại chọn điều ước đó”. Cả lớp đều rất hào hứng, các em ngồi mải miết viết đến khi trống báo kết thúc tiết học mới nộp bài. 28 học sinh là 28 điều ước giản dị được kể lại với những xúc cảm chân thành, hồn nhiên.
“Em ước mình có thể thoải mái ăn đồ ăn ngon mà không sợ béo. Mẹ và bà em ngày nào cũng nhắc: Ăn ít thôi không béo phì. Em phát chán với việc mọi người gặp em ai cũng đều nói sao béo thế”. Tôi lật tiếp bài văn sau: “Em chỉ ước bố đừng đánh mẹ và những ngày nghỉ em được ăn nhiều món ngon cùng cả gia đình”. Bài của em Hà Vy. Hoàn cảnh của em thật éo le, bố nghiện cờ bạc, mỗi lần thua về lại trút giận lên hai mẹ con. Đỉnh điểm năm ngoái, bố đánh mẹ phải nằm viện rồi bị đi cải tạo. Em và mẹ dọn về ở với bà ngoại. Năm nay 70 tuổi nhưng bà vẫn phải oằn mình nuôi con và cháu. Ngoài giờ học, Vy còn phụ bà đi thu gom ve chai bán.
“Điều ước duy nhất của em là có bố ở bên… Những năm còn bố, em đều được tặng rất nhiều đồ chơi. Bây giờ, em không mong có quần áo mới và đồ chơi nữa, em chỉ ước bố trở về với em và mẹ”. Bài văn này của Nhật Minh. Bố Minh là cảnh sát, trong một lần truy bắt tội phạm buôn bán trái phép ma túy, bố em đã hy sinh…
Tôi dừng bút, không thể chấm được tiếp. Tôi bỗng nhớ đến người bố mà tôi chưa từng một lần được ôm trong tay. Nhớ cuộc gọi của mẹ hôm trước nói bí mật động trời về bố. Bà còn giục tôi về gấp vì ông sắp không qua khỏi, nhưng tôi từ chối.
Điều ước cháy bỏng suốt ngày thơ bé của tôi là có một người bố. Trong tiềm thức của tôi, tuổi thơ là chuỗi những tháng ngày đầy cơ cực và buồn tủi. Mỗi khi đi học về, tôi mang theo nỗi ấm ức vì bị chúng bạn gọi là đồ con hoang. Bao nhiêu bực dọc, tôi trút hết lên người mẹ. Khi tôi càng cố gắng điều tra lai lịch về bố, mẹ càng dửng dưng: Bố chết rồi, trong giấy khai sinh của con đã ghi rõ như thế.
Ngày tháng trôi qua, nhiều lúc tôi cũng quên mất điều ước có một người bố. Còn mẹ nén nỗi buồn thẳm sâu trong đáy mắt, thả theo gió và những giọt mồ hôi mặn chát rơi nơi ruộng đồng, tần tảo vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi tôi ăn học. Sau khi ra trường, tôi về làm giáo viên ở một huyện hẻo lánh, thi thoảng mới về thăm mẹ.
Nhưng, bố của tôi, không chết như lời mẹ nói. Thậm chí suốt hai mươi mấy năm qua, ông ấy ở rất gần, nhìn tôi lớn lên, chứng kiến cuộc sống mẹ con tôi đầy vất vả, thiếu thốn với sự thản nhiên. Thời điểm trước khi tôi vào đại học, mẹ đi khám chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối. Mẹ đã giấu tôi đến gặp, cầu xin ông ấy nhận và chăm sóc tôi những ngày tháng sau này, nhưng ông từ chối. Ngày đó, ông đang trong quá trình bổ nhiệm lại chức vụ, tất nhiên không thể vì tôi mà để mọi chuyện tốt đẹp đổ sông, đổ bể. Thật may vì kết quả chẩn đoán của mẹ tôi bị nhầm với người khác. Vậy là mẹ lại gói ghém sự buồn giận, nhung nhớ, trách cứ tận sâu trong tim để thản nhiên sống.
Mấy hôm sau cuộc điện thoại lúc nửa đêm, mẹ thông báo với tôi bố đã không còn trên cõi đời nữa. Còn nói, ông ấy vì lập di chúc để lại ngôi nhà khang trang trên thị trấn cho đứa con riêng là tôi mà bị vợ, con ghẻ lạnh. Những ngày cuối đời, ông sống cô độc và đau đớn. Đám tang ông tổ chức sơ sài, lạnh lẽo. Mẹ đến viếng mà bị bao ánh mắt soi mói. Mẹ còn nói tôi đừng trách bố, tất cả lỗi đều do mẹ. Trước đây, là mẹ đã cầu xin bố cho một đứa con và hứa không bao giờ để ảnh hưởng đến bố…
Tôi nghe xong, cơn giận càng nổi lên đùng đùng. Tôi hận người đàn ông mà đáng lẽ tôi phải gọi là bố. Tôi đâu cần chỗ tài sản đó. Tôi chỉ cần cuộc sống của tôi và mẹ những tháng ngày sau này yên bình. Sao mẹ có thể yêu một người bạc tình, bạc nghĩa như vậy. Tại sao mẹ lại bênh vực một người đã nhẫn tâm chối bỏ đứa con của mình suốt bao năm qua?
Tiếng chuông cửa cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi khoác áo, bước xuống nhà, thấy anh đang ôm lích kích quà bánh trên tay đợi sẵn.
Vừa ngồi xuống ghế, anh đã hỏi:
- Em vẫn quyết định không về quê với mẹ à?
Tôi không trả lời, lẳng lặng đặt đồ anh mang đến lên bàn, nói lảng:
- Anh khuân hết đồ ở siêu thị về chia cho cả làng ăn à?
- Anh mua cho hai nhà đấy. Mà em đã nghĩ mẹ ở nhà một mình buồn như thế nào nếu em không về chưa? Anh biết em đang giận bố, giận cả mẹ, nhưng đã có lúc nào em thử đặt mình vào vị trí của mẹ? Hơn lúc nào hết, mẹ là người lo cho em nhất, muốn em có một người bố đúng nghĩa.
- Em không cần một người bố đã bỏ rơi em ngay từ lúc em sinh ra. Tôi lạnh lùng.
Anh ôn tồn:
- Bố và mẹ em, họ chắc chắn có lý do riêng. Dù gì thì ông ông ấy cũng chịu đủ sự dằn vặt rồi.
Tôi im lặng.
- Mẹ em đang là người buồn nhất. Như anh đây, bây giờ muốn về gặp mẹ cũng chẳng được rồi. - Anh tiếp lời.
Tôi òa khóc, gục đầu vào vai anh. Một năm trước, mẹ anh bị tai nạn giao thông nặng. Nhận được tin, anh vội vã bắt xe trở về nhưng vẫn không kịp gặp mẹ lần cuối. Anh càng nói, tôi càng thấy sợ. Tôi sợ những năm tháng về sau sẽ không còn có mẹ.
Sáng hôm sau, tôi cùng anh ra bến về quê. Trên xe, tôi nghe được ca từ bài hát “Đường về nhà”: “Trong cuộc đời bạn có thể quên hàng vạn con đường. Nhưng có một con đường mà bạn ko được phép quên.. đó là... Đường về nhà..!”. Tôi nắm chặt tay anh, chưa bao giờ tôi mong về nhà với mẹ nhanh như lúc này.
Về nhà, tôi sẽ nhận lỗi với mẹ, sẽ ra mộ thắp hương bố. Tôi nghĩ đến hình ảnh mẹ đưa bàn tay nứt nẻ lên vuốt tóc rồi ôm tôi vào lòng. Trước mặt tôi hiển hiện trên gương mặt đầy vết chân chim của mẹ ngân ngấn nước, khẽ nở nụ cười thật tươi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin