Nghề gia truyền của làng tôi là làm mắm tôm. Từ biển về, những con tôm tươi nguyên sau khi làm sạch được cho lên xay nhuyễn, trộn với đủ lượng muối rồi ngâm, ủ, phơi, khuấy đảo gần cả năm trời mới cho được mẻ mắm thơm ngon.
Quanh năm, cả làng được ướp bằng một mùi sền sệt, nồng ấm và mặn mà đậm vị biển. Hương vị của nó lúc nào cũng vấn vít nơi khứu giác của tôi tới nỗi bất cứ khi nào ngửi thấy mùi gì, tôi cũng nghĩ đó là thứ vị quen thuộc của quê hương.
Một ngày mưa nào đó lành lạnh, chỉ cần miếng thịt lợn chấm với mắm tôm đã được đánh nhuyễn với chút rượu, vài lát ớt cùng chút chanh hoặc quất vắt vào, sau đó đưa lên miệng, nhai từ từ, chầm chậm, dùng lưỡi cảm nhận mùi vị của những thứ ấy hòa quyện thì bỗng thấy trên đời này không còn cao lương nào hơn thế.
Suốt những năm tháng tuổi thơ, mùi mắm bám vào quần áo, bát đũa, cây cối, bám cả vào bước chân mỗi đứa tới trường, lưu dấu trên bàn ghế, sách vở như một dấu hiệu riêng của những người con vùng biển không thể nào lẫn được. Nó là mùi của đất mẹ, mùi của quê hương mà dù có đi xa tới đâu, chúng tôi cũng đều nhớ mà trở về.
Thế nhưng, học cao lên chút nữa, khi bước chân dần rời xa ngôi làng ven biển ấy, mọi suy nghĩ của tôi dần đổi khác. Mỗi lần đi chơi cùng bạn bè, mũi hít hà hương thơm từ đủ các loại nước hoa, tôi bỗng thấy ghét thứ mùi - mà theo bạn tôi đã từng nhận xét về mắm tôm lúc cả nhóm đi ăn bún đậu là thum thủm - vẫn bám theo tôi bấy lâu. Nó ám ảnh khiến tôi không dám tự tin tiến xa thêm bất cứ mối quan hệ nào.
Hàng ngày, sau giờ học, tôi đều đi làm thêm tới 11 giờ đêm, không hẳn vì đỡ đần bố mẹ mà vì tôi muốn chối bỏ tất cả những đồng tiền mẹ gửi lên mỗi tháng. Bởi một lẽ, chúng đều có mùi mắm đâu đó. Họa hoằn lắm, tôi mới trở về quê một lần và mỗi lần trở về ấy, tôi đều hạn chế gặp bạn bè - những đứa giờ cũng rửa sạch tôm, ướp muối... như bao đời ở làng này vẫn làm, hạn chế phụ giúp bố mẹ và từ bỏ niềm yêu thích ngắm những vại mắm sau bãi bồi. Trở lại Hà Nội, mỗi khi đi ăn bún đậu cùng bạn bè, tôi luôn gọi một bát mắm cá chứ không phải mắm tôm. Tôi muốn gột sạch quá khứ, gột sạch thứ mùi đã đeo bám suốt bao năm nay.
Tốt nghiệp đại học, sau bao nỗ lực tôi cũng giành được một suất học bổng - bước tiếp theo cho giấc mơ đổi đời. Hai tháng sau khi lên máy bay du học, tôi bắt đầu được đón tiết trời ấm áp ở xứ người sau những ngày giá rét. So với Việt Nam, cái lạnh ở đây chẳng thấm vào đâu nhưng sao lòng những đứa con xa quê như tôi lại thấy lạnh lạ kì. Theo như cuốn lịch trên tường thì hôm nay là 30 Tết, tầm này ở nhà, ông bà, bố mẹ, anh chị em đang nấu bánh, dọn nhà, bày mâm ngũ quả,... tấp nập. Tôi có gọi về nhà, dù thấy phần nào không khí Tết nhưng vẫn cảm thấy chạnh lòng. Năm đầu ăn Tết xa nhà mà! May mắn là, ở bên này, hội sinh viên Việt Nam cũng sẽ tổ chức một buổi Tất niên và tôi chọn cho mình trang phục ưng ý nhất để tới dự.
Thế nhưng, lúc chuẩn bị đi, tôi bỗng nhiên bước hụt cầu thang, ngã nhào. Sau cú “vồ ếch” hoàn hảo, chân tôi bị trật khớp. Không còn cách nào khác, tôi đành tự lết về phòng, rút điện thoại báo không tới được mà nước mắt như muốn trào ra. Chưa bao giờ tôi thấy cô đơn như lúc này.
Vừa lúc đó, có tiếng gõ cửa. Là Lam, một người bạn Philippines có cái tên khá Việt Nam ở cùng chung khu trọ với tôi. Bình thường, hai chúng tôi rất ít khi nói chuyện với nhau, phần vì tính ít nói của tôi, phần vì khác biệt văn hóa. Cô ấy nói với tôi bằng tiếng Anh khi cửa mở: - Tớ biết hôm nay hội sinh viên Việt Nam có tổ chức buổi tiệc cuối năm mà thấy đèn phòng cậu vừa tắt lại bật nên đoán cậu có việc gì đó. Cậu bị sao vậy?
Tôi chỉ cho Lam thấy cái chân của mình. Cô ấy nhìn cái chân có vẻ ái ngại một lúc rồi bảo: - Cậu chờ mình một chút nhé.
Chừng mấy phút sau, Lam trở lại với một túi đồ lỉnh kỉnh trên tay rồi ngỏ ý muốn vào nhà. Ngần ngại một lúc, tôi cũng đồng ý. Sau một hồi khuấy động khu bếp của phòng tôi, Lam bày trước mặt hai đứa một đĩa mỳ đã được để cho ráo nước, cắt nhỏ thành từng khúc, một đĩa đậu rán vàng ươm, một đĩa thịt ba chỉ luộc và ở chính giữa là một bát mắm tôm đỏ hồng, mùi rượu, mùi chanh và mùi mắm đánh động khứu giác, khởi động vị giác tôi. Lam nói liến thoắng:
- Tuần trước, tớ mới tới nước cậu và món bún đậu của nước cậu làm tớ mê mẩn. Tớ thấy mình với Việt Nam dường như có duyên nợ, có lẽ bắt nguồn từ cái tên tớ đang sở hữu thì phải. Cái này - Lam chỉ đĩa mỳ - là thay thế bún, thịt lợn, đậu phụ, chanh, ớt và rượu tớ mua ở siêu thị gần đây. Còn thứ này - tay cô di sang bát mắm tôm - phòng tớ vẫn còn hai lọ nhỏ nhỏ nữa, phần thưởng sau hai tiếng lùng sục các ngõ hẻm của gian hàng Việt đó. Còn mấy thứ rau ăn kèm kia thì tớ chịu không tìm ra nổi, chắc chỉ có nơi cậu mới có. Nào, ăn thử xem có ngon không?
Tôi chấm một miếng đậu vào bát mắm tôm, đưa lên miệng mà không sao cầm được nước mắt khi cái nhãn của lọ mắm chạm vào mắt. Hình ảnh của mẹ, của bố, của bao nhiêu con người tảo tần góp nhặt lên mùi vị này hiện rõ trước mắt tôi. Mùi vị quen thuộc ấy, hương vị quê hương, có bao giờ tôi thấy yêu, thấy nhớ đến thế? Cô bạn Philippines thấy tôi khóc lo lắng hỏi: - Sao thế, tớ cho nhiều rượu và ớt vào bát chấm à?
Tôi lắc đầu: - Không, mọi thứ đều hoàn hảo. Đây có lẽ là bữa tất niên tuyệt vời nhất mà tớ từng trải qua, cảm ơn cậu nhiều lắm. Tôi quẹt nước mắt, cười bảo - Cậu cũng mau ăn đi, mắm tôm này là đặc sản của quê tớ đấy, ngon lắm. Khi nào tớ về, Lam sang Việt Nam, tớ sẽ tặng Lam cả vại cho cậu ăn mệt nghỉ luôn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin