An toàn thực phẩm dịp Tết: Không để năm mới, lo cũ

07:06, 22/01/2022

Tết Nguyên đán đang đến rất gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng tăng khi nhiều người đã rục rịch sắm Tết, đặc biệt là các loại thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo, rượu, nước ngọt… Đây cũng là thời điểm vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Xác định được mối lo đó, các ngành chức năng của huyện Đại Từ đang tích cực bám sát thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo ATTP dịp trước, trong và sau Tết.

Khảo sát tại một số chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn huyện Đại Từ như: Chợ Đại Từ, siêu thị B’mart, siêu thị Hùng Sơn..., chúng tôi nhận thấy hàng hóa được bày bán khá đa dạng, phong phú, mẫu mã đa dạng, hình thức bắt mắt. Ông Đỗ Văn Tình, Quản lý siêu thị Hùng Sơn, ở thị trấn Hùng Sơn, cho biết: Nếu so với cùng thời điểm năm ngoái, sức mua của người dân giảm khoảng 40-50% do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, so với các tháng trước đó, lượng hàng hóa tiêu thụ tại siêu thị tăng khoảng 30%. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng dịp cuối năm, chúng tôi đã chuẩn bị nhập hàng hóa từ 2 tháng trước, tập trung vào các sản phẩm phục vụ Tết, nhu yếu phẩm. Trên 2.000 đầu sản phẩm siêu thị đang bày bán đều có đầy đủ tem mác, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo ATTP…

Bên cạnh các cơ sở sản xuất cung cấp những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin như thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ…, thị trường Đại Từ cũng xuất hiện nhiều hàng hóa, bánh, mứt kẹo… không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc lựa chọn.

Chị Nguyễn Thị Huệ, xóm Cạn, xã Ký Phú, băn khoăn: Mặc dù hàng hóa Tết rất đa dạng, phong phú song lựa chọn lại không dễ. Do vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mình và người thân, tôi ưu tiên lựa chọn các sản phẩm sản xuất trong nước, có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng và thường mua sắm ở những cửa hàng tin cậy.

Theo thống kê, toàn huyện Đại Từ hiện có trên 2.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, có gần 740 cơ sở sản xuất hoặc vừa sản xuất vừa kinh doanh thực phẩm; gần 1.300 cơ sở kinh doanh thực phẩm; gần 430 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; gần 120 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Sự phát triển nhanh chóng về số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh lại cộng thêm địa bàn rộng với 30 xã, thị trấn, do vậy, việc kiểm soát tốt ATTP đối với huyện Đại Từ là không dễ dàng.

Thời gian qua, huyện Đại Từ đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức triển khai hoạt động quản lý về ATTP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP; tổ chức ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát luôn được coi trọng. Trong năm 2021, Phòng Y tế huyện đã chủ trì đoàn công tác liên ngành kiểm tra trên 640 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 55 cơ sở với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 51 triệu đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 16 triệu đồng; thực hiện giám sát mối nguy ATTP tại 132 cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an huyện) kiểm tra gần 20 cơ sở kinh doanh ăn uống…

Các biện pháp trên tiếp tục được tăng cường khi nhu cầu tiêu thụ, sản xuất hàng hóa trở nên sôi động hơn vào dịp cuối năm. Bà Tống Thị Hòa, Trưởng phòng Y tế huyện Đại Từ thông tin: Trong đợt kiểm tra liên ngành theo kế hoạch đảm bảo ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022, chúng tôi đã thực hiện kiểm tra đột xuất một số cơ sở trên địa bàn. Theo đó, lực lượng chức năng đã chuyển hồ sơ xử lý 3 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại xã Ký Phú và thị trấn Hùng Sơn do liên quan đến việc niêm yết nhãn không đúng quy định, không có tem phụ đối với sản phẩm nhập khẩu.

Cùng với các đoàn kiểm tra liên ngành, lực lượng chức năng cũng có những chương trình kiểm tra riêng theo từng ngành, từng lĩnh vực đối với các loại hàng hóa phục vụ Tết. Theo ông Phạm Duy Bình, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường tỉnh): Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cùng với các lực lượng chức năng khác, lực lượng Quản lý thị trường đã huy động toàn bộ lực lượng, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Tính riêng trong đợt ra quân cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 1/12/2021 đến nay, chúng tôi đã thực hiện kiểm tra, xử phạt 18 trường hợp, tổng số tiền xử phạt, trị giá hàng vi phạm gần 113 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng nhập lậu, giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc…

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị, để phòng tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp Tết, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân chủ động nâng cao nhận thức về ATTP, chọn mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng. Qua đó, đảm bảo sức khỏe để đón Tết tươi vui, an lành…