Để Tết không tiếng pháo

Vũ Công 17:59, 30/12/2022

Để người dân có một cái Tết đầm ấm, an toàn, trong những năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định liên quan đến pháo nổ. Nhờ đó, nhận thức của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được nâng cao, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Những ngày đầu tháng Chạp trời lạnh, mưa phùn nhưng ông Lục Văn Thơm, người có uy tín ở xóm Trung Thành 3, xã Vô Tranh (Phú Lương), vẫn đến từng hộ dân trong xóm để tuyên truyền, vận động bà con không mua bán, tàng trữ và đốt pháo trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Lục Văn Thơm (người có uy tín ở xóm Trung Thành 3, xã Vô Tranh, Phú Lương) cùng cán bộ xã đến từng hộ dân trong xóm để tuyên truyền, vận động không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ.
Ông Lục Văn Thơm (người có uy tín ở xóm Trung Thành 3, xã Vô Tranh, Phú Lương) cùng cán bộ xã đến từng hộ dân trong xóm để tuyên truyền, vận động không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ.

Ông Thơm chia sẻ: Cứ vào đầu Tháng Chạp hằng năm tôi và đại diện các đoàn thể của xóm lại đến từng hộ dân để vận động họ ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ. Đặc biệt, vào những ngày cận Tết và trong đêm Giao thừa, chúng tôi còn phân công nhau đi tuần tra, kiểm tra quanh xóm để kịp thời phát hiện những người đốt pháo.

Nhờ được tuyên truyền, vận động nên người dân trong xóm Trung Thành 3 luôn chấp hành nghiêm các quy định liên quan đến pháo nổ, nhiều năm qua xóm không xảy ra hiện tượng đốt pháo nổ dịp Tết Nguyên đán.

Bà Hà Thị Xuyến, một người dân trong xóm, cho hay: Gia đình tôi có 2 cháu sinh năm 1990 và 1992 đang làm việc tự do. Tôi thường xuyên gọi điện thoại dặn các cháu không được mua các loại pháo mà Nhà nước cấm để về đốt trong những ngày Tết…

Cũng như ông Thơm, những ngày này, ông Đặng Tăng Hiển, người có uy tín, công an viên xóm Hồng Phong, xã Tân Long (Đồng Hỷ), cũng tranh thủ đến từng nhà để vận động người dân không mua bán, tự chế pháo nổ và đốt pháo trong ngày Tết.

Ông Hiển cho biết: Xóm hiện có 129 hộ với 570 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%. Từ năm 2019 trở về trước, vào những ngày Tết Nguyên đán thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng pháo nổ trong xóm. Tôi có tìm hiểu nguyên nhân thì được biết đa phần các hộ có đốt pháo là do con em đi làm ăn xa mua pháo về. Từ đó đến nay, vào mỗi dịp trước Tết Nguyên đán, tôi lại cùng Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ và Chi đoàn Thanh niên xóm đến các gia đình có con em đi làm ăn xa vận động họ ký cam kết không đốt pháo. Nhờ đó, các hộ dân đã chấp hành nghiêm chỉnh và mấy năm nay không còn tiếng pháo trong xóm vào dịp Tết.

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết đến, Xuân về là tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chế tạo, đốt pháo nổ lại “nóng" . Nhằm phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo nổ, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền cho người dân; ký cam kết; cảnh báo, răn đe, đấu tranh, xử lý vi phạm liên quan đến pháo… Đồng thời tuyên truyền nhân dân thay thế bằng các loại pháo không nổ theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ.

Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ nên nhiều năm qua tại các địa phương trong tỉnh không xảy ra hiện tượng đốt pháo nổ dịp Tết Nguyên đán. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của 834 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh,  những người luôn gần dân và có tiếng nói trong nhân dân.