Đồng hành với phụ nữ yếu thế

Thu Hà 09:51, 05/03/2023

Một trong những mục tiêu góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các cấp hội phụ nữ là hướng sự quan tâm tới phụ nữ yếu thế. Việc hỗ trợ vật chất; trao phương tiện, sinh kế; thành lập các mô hình, câu lạc bộ để hỗ trợ chị em đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thái Nguyên triển khai hiệu quả. Qua đó từng bước giúp phụ nữ yếu thế khắc phục khó khăn, tạo dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc.

Chi hội Phụ nữ xóm Thâm Tý, xã Bảo Cường (Định Hóa), cấy giúp hội viên khó khăn, có chồng nằm viện dài ngày.
Chi hội Phụ nữ xóm Thâm Tý, xã Bảo Cường (Định Hóa), cấy giúp hội viên khó khăn, có chồng nằm viện dài ngày.

Nhiều năm qua, Hội LHPN tỉnh đã giao các cơ sở hội, quan tâm giúp đỡ nhóm phụ nữ yếu thế (phụ nữ khuyết tật, đơn thân, nghèo, phụ nữ bị bạo hành, phụ nữ bị ảnh hưởng di chứng từ chiến tranh...).

Các cấp hội chủ động rà soát, phân nhóm phụ nữ theo đặc thù để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với nhóm phụ nữ nghèo, các cấp hội tập trung giúp phát triển các mô hình kinh tế thông qua vay vốn tín chấp với ngân hàng và từ vốn tiết kiệm của các tổ, hội phụ nữ tương trợ; hỗ trợ về cây, con giống, ngày công lao động; vận động chị em tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật để có kiến thức áp dụng vào sản xuất.

Trong năm 2022, các cấp hội tiếp tục hoạt động ủy thác cho hội viên vay vốn với dư nợ hơn 3,3 nghìn tỷ đồng cho trên 82 nghìn lượt hội viên vay. Đồng thời vận động các nguồn lực hoàn thành hỗ trợ xây mới 36 nhà Mái ấm tình thương, sửa chữa 6 nhà với tổng trị giá 1,4 tỷ đồng giúp đỡ các hội viên phụ nữ yếu thế trên địa bàn. Năm 2022, toàn tỉnh đã có 894 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội giúp đỡ, có 570 hộ thoát nghèo (vượt 70 hộ so với chỉ tiêu).

Như trường hợp chị Nguyễn Thị Đức, phụ nữ khuyết tật, xóm Đồng Tân, xã Tân Kim (Phú Bình) đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của các cấp hội. Năm 2020, chị được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Huyện hội tổ chức; được các cấp hội hỗ trợ 250 con gà giống, vắc-xin, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và 30% thức ăn chăn nuôi. Sau hai năm chăm chỉ, chị đã có kinh nghiệm nuôi gà thả vườn và đã vươn lên thoát nghèo.

Hay như trường hợp của chị Đoàn Thị Lương, xóm Thâm Tý, xã Bảo Cường (Định Hóa), có chồng đau, ốm, đi viện dài ngày. Chi hội Phụ nữ xóm đã thường xuyên hỗ trợ chị trong việc kịp thời cấy, gặt 3 sào ruộng, săn sóc vườn tược, nhà cửa…

Bên cạnh đó, các cấp hội còn tập trung triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình; thực hiện tốt cuộc vận động “An toàn cho phụ nữ, trẻ em"; xây dựng các CLB phòng, chống bạo lực gia đình, tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ yếu thế.

Các cấp hội cũng triển khai lập hàng nghìn địa chỉ tin cậy ở cộng đồng nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành. Cùng với đó, những chị em, hội viên phụ nữ khuyết tật, bị ảnh hưởng di chứng từ chiến tranh cũng được các cấp hội dành sự quan tâm đặc biệt với mong muốn giúp đỡ chị em xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. 

Đồng chí Trần Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Năm 2023, đồng hành, hỗ trợ phụ nữ yếu thế tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, bởi hiện nay có nhiều vấn đề xã hội tác động trực tiếp đến sức khỏe, việc làm, thu nhập của phụ nữ. Do đó, Hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, tranh thủ huy động thêm các nguồn lực để hỗ trợ chị em yếu thế. Đồng thời triển khai và phát triển các mô hình, các nhóm, tổ, câu lạc bộ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế ở cơ sở, từ đó giúp hội viên, phụ nữ cải thiện đời sống, nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình, xã hội.