Nhân rộng mô hình chợ 4.0

Chung An 08:34, 06/04/2023

Sau gần nửa năm triển khai, mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt - đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, TP. Thái Nguyên đang tiếp tục nhân rộng mô hình này tới các chợ trên địa bàn.

Lãnh đạo phường Thịnh Đán cùng nhân viên Sacombank Thái Nguyên hỗ trợ tiểu thương chợ Đán cài đặt tài khoản ngân hàng để thanh toán không dùng tiền mặt.

Mới đây, TP. Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị bưu chính, viễn thông và ngân hàng ra quân cấp mã QR cho các tiểu thương tại 16 chợ trên địa bàn. Ngay trong ngày đầu ra quân, nhiều tiểu thương đã hào hứng đăng ký tham gia.

Chị Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương ở chợ Đán, phường Thịnh Đán, nói: Tôi thấy nhiều người dùng tài khoản để thanh toán rất tiện lợi. Nhất là khi khách đến mua hàng đông, mình không cần đọc số tài khoản mà chỉ cần quét QR-Code là xong, rất chính xác. Do vậy, tôi đã đăng ký một tài khoản để sử dụng.

Còn chị Lê Thị Quý, tiểu thương chợ Phú Thái, phường Tân Thịnh, chia sẻ: Những năm trước, vào thời điểm cuối năm tôi thường phải đi đổi tiền lẻ để trả lại cho khách. Tuy nhiên, khi biết sự tiện lợi khi sử dụng mã quét QR thì các tiểu thương chúng tôi đều đăng ký. Từ nay, tôi cũng không phải lo đổi tiền lẻ hay sợ tiền giả nữa.

Mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt được TP. Thái Nguyên triển khai từ tháng 11/2022, tại 8 chợ, gồm: Núi Voi, Tân Long, Chùa Hang, Đồng Quang, Đồng Quang 2, Sư Phạm, Quyết Thắng và Quan Triều. Qua một thời gian triển khai, mô hình đã được đông đảo tiểu thương quan tâm đăng ký, với tỷ lệ mở tài khoản đạt từ 70 đến 80%.

Từ những kết quả đã đạt được ban đầu, năm 2023, TP. Thái Nguyên tiếp tục nhân rộng mô hình tại 16 chợ trên địa bàn, gồm: Chợ Thái, Túc Duyên, Quang Vinh, Khu Nam, Thịnh Đức, Phúc Xuân, Chè Hương, Tê Ba Nhất, Vó Ngựa…

Ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán, cho biết: Để thực hiện mô hình chợ 4.0, phường đã xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch đến tất cả các tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ Đán. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền trực tiếp tại chợ, qua hệ thống loa phát thanh và qua các tổ dân phố. Đến nay, trên 90% tiểu thương trên địa bàn đã có mã QR.

Về phía ngân hàng, ông Hà Văn Sỹ, Phó phòng Khách hàng cá nhân Sacombank Thái Nguyên, cho hay: Việc phối hợp với TP. Thái Nguyên cũng như các địa phương khác triển khai mô hình chợ 4.0 là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của đơn vị. Tính từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã thực hiện tạo mã QR miễn phí cho các hộ kinh doanh, tiểu thương tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố, với khoảng 400 tài khoản. Mục tiêu của Sacombank là sẽ "phủ xanh" mã QR, không dùng tiền mặt trong mọi giao dịch trong thời gian tới.

Sau đợt ra quân, TP. Thái Nguyên đã yêu cầu các xã, phường tiếp tục chỉ đạo Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với đơn vị bưu chính, viễn thông, ngân hàng triển khai hướng dẫn các hộ kinh doanh, tiểu thương tại các chợ cài đặt tài khoản, cấp mã QR. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2023, 100% tiểu thương được trang bị và sử dụng thành thạo, thường xuyên công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó phòng Văn hóa thông tin TP. Thái Nguyên - cơ quan thường trực triển khai mô hình, thông tin: Tính đến thời điểm này, toàn thành phố có khoảng hơn 3.000 mã QR được cấp đến người dân. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện nội dung này tại các chợ phiên trên địa bàn, mục tiêu là tạo thói quen cho người dân từ thành thị đến nông thôn, từ giao dịch lớn đến giao dịch có giá trị nhỏ đều thanh toán không dùng tiền mặt…