Người trẻ tự tử là một vấn đề nghiêm trọng và đáng lo ngại trong xã hội hiện nay. Thời gian qua, không ít vụ tự tử đã xảy ra, gây ra sự bất an và đau đớn cho gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Vụ treo cổ tự tử của nữ sinh 23 tuổi được phát hiện vào tối ngày 11-5 vừa qua đã gây bàng hoàng, chấn động và đau thương cho gia đình, bạn bè, thầy cô. Nữ sinh V.D.L, hộ khẩu thường trú thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam (Bắc Giang), đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, được xác định tử vong do trầm cảm và tự tử trong phòng trọ tại tổ 4, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên. Ở giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời, tại sao cô gái ấy lại chọn ra đi, câu hỏi đó sẽ là trăn trở không chỉ của gia đình, bạn bè mà của cả xã hội.
Hay như vụ việc xảy ra ngày 22/11/2021, nam thanh niên N.V.T (sinh năm 1993), sống tại xóm Ao Rôm 2, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), đã lựa chọn nhảy cầu Bến Oánh để kết thúc cuộc đời. Theo lời kể của gia đình, thời gian trước đó anh T. đã có biểu hiện trầm cảm.
Nhiều trường hợp tự tử khác được xác định là do áp lực tâm lý, nợ nần, thất tình, áp lực học hành…Theo lãnh đạo Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, mỗi năm có khoảng 200 ca nhập viện cấp cứu do tự tử, một con số đáng báo động.
Theo một nghiên cứu của UNICEF, hàng năm, trên thế giới có trên 800.000 người chết vì tự tử, con số toan tự tử còn cao hơn thế. Ở Việt Nam, trung bình có khoảng 14.000 người tự sát trong 1 năm. Chúng tôi khảo sát ngẫu nhiên 20 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, trong số đó có một nam sinh viên cho biết từng nghĩ đến chuyện tự tử vì cảm thấy quá áp lực. |
Sau những hành động dại dột, bồng bột của những người trẻ là nỗi đau dai dẳng của chính gia đình, người thân của họ. Đã nhiều năm trôi qua nhưng cô N.T.Y ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) vẫn còn nhớ như in khi nghe tin dữ người thân yêu nhất của mình tự kết thúc cuộc đời. Lúc trách móc, lúc giận dữ, lúc thương xót và có lúc nhớ nhung, cô Y không biết mình mất bao nhiêu thời gian để quen với việc thiếu đi người thân, nhiều năm trôi qua, có lúc cô vẫn tự trách mình phải chăng đã thiếu sự quan tâm…
TS. Lê Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cho rằng: Những người không tìm được sự đồng cảm, tin tưởng, an toàn sẽ có khuynh hướng tiêu cực, có thể dẫn đến việc tìm cách tự kết thúc cuộc đời. Tôi nghĩ rằng khi áp lực vẫn còn nhiều và con người thiếu kỹ năng để đương đầu thì câu chuyện kết thúc cuộc đời bằng cách tự tử vẫn diễn ra.
TS. Lê Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. |
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tự tử trong giới trẻ gia tăng là áp lực trong cuộc sống. Cụ thể, người trẻ đang phải đối mặt với nhiều áp lực đồng thời từ nhiều nguồn khác nhau, như: Áp lực học tập, thiếu thành công nghề nghiệp, nợ nần do làm ăn thua lỗ, cờ bạc và cả chuyện thất tình.
Bên cạnh đó, sự phổ biến của mạng xã hội cũng tạo ra những tác động tiêu cực, khiến người trẻ cảm thấy cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội, cạnh tranh và tự so sánh với những người khác. Đối diện với khó khăn, người trẻ thường lặng lẽ tự chịu đựng. Khi sức chịu đựng quá giới hạn, họ sẽ lựa chọn “buông tay”.
Theo các chuyên gia tâm lý, thiếu kỹ năng đương đầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử gia tăng. Mất kiểm soát là trạng thái đầu tiên khi người trẻ gặp khó khăn, bế tắc. Chính lúc này, họ không nhận ra mình thiếu quá nhiều: Thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, thiếu kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ…
Khi được hỏi về vấn đề này, sinh viên Triệu Quý Vọng, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, thành thực chia sẻ: “Giá như những người toan tự tử có một điểm tựa nào đó để bấu víu đúng lúc thì họ có thể sẽ không chọn cách kết thúc cuộc sống của mình”.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử ở người trẻ tuổi. Nhưng, giải thích tự tử là một vấn đề phức tạp và thường không có một nguyên nhân duy nhất. Thường là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau trong cuộc sống và tâm lý của người trẻ. Chia sẻ, học cách cân bằng cuộc sống là một trong những giải pháp tự thân mà nhiều người trẻ chọn lựa để đối mặt và vượt qua áp lực cuộc sống.
Em Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cho biết em tìm đến âm nhạc để giải tỏa áp lực, bế tắc về trong cuộc sống và chọn mẹ để chia sẻ mọi khó khăn, bế tắc trong chuyện tình cảm, học tập.
Nhưng không phải ai cũng tự giải tỏa và cân bằng tâm lý, cảm xúc của mình. Cả hai vụ việc tự tử kể trên đều là những biểu hiện nghiêm trọng của vấn đề sức khỏe tâm thần và trầm cảm trong xã hội. Cần có sự quan tâm và giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, cũng như xã hội để ngăn chặn tình trạng này và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho những người cần. Mặt khác, cơ quan chức năng, chính quyền cần có những chiến dịch truyền thông, giáo dục về tâm lý, đặc biệt là trong cộng đồng học sinh, sinh viên.
Ngoài ra cũng cần có sự hợp tác giữa gia đình, trường học, cộng đồng và các tổ chức xã hội. Và quan trọng hơn, mỗi người hãy quan tâm đến tâm tư, tình cảm của những người thân, là chỗ dựa vững chắc để họ có thể mở lòng chia sẻ khi gặp bế tắc trong cuộc sống. Đừng ngại ngần trò chuyện, lắng nghe và khuyến khích người thân tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp nếu cần thiết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin