Tân sinh viên chật vật tìm phòng trọ

Hằng Nga 15:29, 31/08/2023

Ngay sau khi Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) công bố điểm trúng tuyển đại học, cao đẳng hệ chính quy đợt 1 năm 2023, cùng với việc xác nhận nhập học, nhiều tân sinh viên hối hả tìm chỗ trọ để chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, để tìm được một phòng trọ gần chỗ học, tiện nghi, với giá cả phù hợp là điều không dễ dàng.

Nhiều chủ nhà trọ ở khu vực phường Tân Thịnh TP.Thái Nguyên đầu tư phòng ở khép kín có giá cho thuê từ 1,6-2 triệu đồng/phòng/tháng.
Nhiều chủ nhà trọ ở khu vực phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) đã đầu tư làm phòng ở khép kín, với giá cho thuê từ 1,6 đến 2 triệu đồng/tháng.

Nhận được thông báo trúng tuyển vào ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại  học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (ĐHTN), Lỗ Thị Thu Huyền, ở xã Ký Phú (Đại Từ) đã cùng mẹ xuống TP. Thái Nguyên tìm phòng trọ.

Huyền chia sẻ: Điều may mắn là em làm thủ tục nhập học sớm hơn nhiều bạn ở tỉnh xa, nên hai mẹ con đi 1 buổi sáng quanh khu vực trường và lựa chọn được phòng trọ phù hợp. Phòng ở khép kín, có điều hòa, giá thuê 1 triệu đồng/tháng là chấp nhận được.

Tuy nhiên, không phải tân sinh viên nào cũng may mắn như Huyền. Em Lê Quốc Khánh, sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐHTN) nói: Em muốn thuê phòng trọ cho em gái ở gần Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, giá từ khoảng 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, nhưng mãi vẫn chưa tìm được. 2 ngày nay, em "lùng" khắp khu vực quanh trường, rồi lên mạng xã hội hỏi, nhưng nhiều chủ nhà đều báo hết phòng. Những phòng trọ có giá cao hơn thì không phù hợp với tài chính của gia đình.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thủy, ở huyện Phú Bình cũng phải mất 2 ngày mới tìm được phòng trọ cho con gái là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. "Tôi muốn cho con vào ở ký túc xá (KTX), nhưng cháu muốn tự nấu ăn nên phải thuê phòng trọ bên ngoài. Tôi đã đi gần 10 nhà trọ mới tìm được phòng có giá 700 nghìn đồng/tháng, chưa gồm tiền điện, nước, nhưng diện tích chỉ khoảng 9m2" - chị Thủy cho hay.

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số khu vực gần các trường đại học như: Trường Ngoại Ngữ, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Nông lâm... các phòng trọ cho 1-2 người ở, rộng khoảng 20m2, được chủ nhà sắp xếp thêm giường, tủ quần áo có giá từ 1,5-1,8 triệu đồng/tháng (chưa tính phí dịch vụ và điện, nước, internet). Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng không còn phòng cho thuê.

Ở phân khúc thấp hơn, những phòng trọ có giá 700-800 nghìn đồng/tháng là dạng nhà cấp bốn, chỉ có một giường, tủ đi kèm, không gian chật hẹp. Một số phòng khá ẩm thấp, không có điều hoà, muốn nấu ăn phải mang ra hiên nhà…

Gia đình ông Ngô Xuân Đãng ở tổ 1, phường Tân Thịnh TP.Thái Nguyên đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 10 phòng trọ chất lượng cao.
Gia đình ông Ngô Xuân Đãng, ở tổ 1, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên) đang đầu tư xây dựng thêm 10 phòng trọ chất lượng cao.

Theo ông Ngô Xuân Đãng, ở tổ 1, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên): Nhà tôi có 86 phòng trọ. Tuy nhiên bước vào năm học mới, chỉ có 10 phòng trống cho các tân sinh viên thuê. Đây là những phòng ở do các sinh viên vừa tốt nghiệp mới trả lại. Ngày nào cũng có cả chục người đến hỏi thuê phòng, nhưng không riêng nhà tôi, mà nhiều hộ trong khu vực này đều hết phòng. Để đáp ứng nhu cầu thuê phòng trọ, tôi đang xây dựng thêm 10 phòng chất lượng cao và dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành.

Cùng với "cơn sốt" phòng trọ, nắm bắt được nguyện vọng của phụ huynh, các trường thuộc ĐHTN đã dành nguồn kinh phí nhất định để sửa chữa KTX, ưu tiên dành phòng cho tân sinh viên.

Hiện nay, mức thu của nhiều trường chỉ từ 80 đến 100 nghìn đồng/sinh viên/tháng tiền phòng, để đảm bảo việc chi trả lương, thuê thu gom rác thải, sửa chữa nhỏ các phòng KTX. Tuy nhiên, dù mức thu thấp song do hầu hết các khu KTX đều xây dựng cách đây hơn 10 năm, đã xuống cấp nhiều, nên đa phần sinh viên quyết định ra bên ngoài thuê trọ.

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đầu tư cải tạo sơn lại khu KTX để tạo điều kiện cho SV năm thứ nhất ở.
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã đầu tư cải tạo khu KTX để tạo điều kiện cho sinh viên năm thứ nhất vào ở.

Giải đáp về điều này, em Lê Thị Trà My, sinh viên năm hai, khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, cho rằng: Phòng KTX có 6-8 người sinh hoạt chung, nhiều bất tiện, nhất là khi sử dụng công trình phụ. Ở phòng trọ bên ngoài, dù giá cả nhỉnh hơn nhưng việc học tập, sinh hoạt của chúng em thoải mái hơn. Các chủ trọ cũng quan tâm đến giờ giấc sinh hoạt, vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh chung… nên bố mẹ em cũng như nhiều bạn yên tâm khi con ở trọ bên ngoài trường.

Trong bối cảnh "sốt" phòng trọ, để hỗ trợ tân sinh viên có chỗ ở phù hợp, nhiều trường đại học đã lập các nhóm Zalo để kết nối với các bạn sinh viên và phụ huynh có nhu cầu tìm phòng trọ và KTX.

Về vấn đề này, ThS Hà Thế Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ học sinh sinh viên Trường Đại học Y - Dược, cho biết: Để hỗ trợ tối đa cho tân sinh viên, Trung tâm đã tập hợp đội ngũ cộng tác viên tìm thông tin nhà trọ để cung cấp cho phụ huynh và sinh viên. Hiện tại nhóm có khoảng 400 thành viên.

Còn tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, TS. Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tổng hợp, thông tin: Đến thời điểm hiện tại, Nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất để đón tiếp tân sinh viên. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Công an phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên) nhằm đảm bảo quản lý công tác lưu trú của sinh viên.

Hiện nay, một số trường đại học trên địa bàn tỉnh cũng đã tính toán đến việc xã hội hóa, huy động nguồn lực của cán bộ, giáo viên, doanh nghiệp để sửa chữa, nâng cấp các phòng KTX, cũng như lắp đặt các tiện nghi sinh hoạt như bình nóng lạnh, điều hòa. Hướng đi này sẽ giúp sinh viên sống xa nhà có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn.