“Nóng” tình trạng các cơ sở làm đẹp hoạt động trái luật, kỳ II: Tiền mất, tật mang và những đòi hỏi với công tác quản lý

Nhóm P.V 09:34, 08/09/2023

Nghe những lời quảng cáo hấp dẫn như giá rẻ, hiệu quả làm đẹp cao, nhiều người  dân Thái Nguyên đã đến các cơ sở làm đẹp “ngoài luồng” để trẻ hóa làn da, tiêm chất làm đầy; phẫu thuật nâng mũi, cắt mí mắt... Hậu làm đẹp, không ít trường hợp bị tai biến nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, lâm vào tình cảnh tiền mất, tật mang.

Hiện nay, tại Thái Nguyên chỉ có Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nguồn lực con người để tiến hành các cuộc đại phẫu nâng cấp vòng 1, hút mỡ toàn thân, tạo hình thành bụng...
Hiện nay, tại Thái Nguyên chỉ có Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nguồn lực con người để tiến hành các cuộc đại phẫu nâng cấp vòng 1, hút mỡ toàn thân, tạo hình thành bụng...

Biến chứng khó lường

Mới đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) tiếp nhận một nữ bệnh nhân 29 tuổi ở TP. Phổ Yên gặp biến chứng do tiêm chất làm đầy ngực không rõ nguồn gốc.

Nhập viện trong tình trạng ngực phải có vết chảy dịch mủ, bệnh nhân cho biết trước đó đã tiêm chất làm đầy với giá 20 triệu đồng tại một cơ sở làm đẹp. Được các y, bác sĩ nạo vét, bơm rửa chất làm đầy trong ngực và điều trị theo đúng phác đồ nên sau 6 ngày, bệnh nhân được xuất viện nhưng có những di chứng như vết sẹo ở ngực, sức khỏe giảm sút.

Hay như trường hợp của một bệnh nhân ở Phú Lương gặp biến chứng nguy hiểm sau khi tiến hành hút mỡ tại một cơ sở làm đẹp với giá 95 triệu đồng. Trên đường từ nơi làm đẹp trở về nhà, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, choáng váng và được đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng trụy tim, mất máu. Nhờ được cấp cứu kịp thời bằng cách truyền dịch, cho thở oxy, sử dụng kháng sinh, bệnh nhân xuất viện 4 ngày sau đó nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng đáng kể.

Một trường hợp đáng thương nữa là bệnh nhân nữ ở xã Yên Ninh (Phú Lương), “tiền mất tật mang” khi thực hiện dịch vụ cấy tóc tại Viện thẩm mỹ Quốc tế medic Skin cơ sở Thái Nguyên, số 528, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên).

Theo chia sẻ của bệnh nhân, chị biết cơ sở này qua mạng xã hội. Ban đầu cơ sở đưa ra mức giá 12 triệu đồng cho một liệu trình cấy tóc nhưng do chị không đủ khả năng chi trả nên cơ sở tiếp tục hạ xuống mức 10 triệu đồng, 8 triệu đồng và cuối cùng là mức 7 triệu đồng với 3 buổi cấy tóc. Dù đã thực hiện được 2/3 liệu trình và thanh toán hết số tiền 7 triệu đồng, chi thêm 4 triệu đồng để mua thuốc hỗ trợ quá trình điều trị nhưng tình trạng rụng tóc của chị không hề thuyên giảm. Thậm chí, trên mặt chị còn xuất hiện tình trạng ngứa ngáy, nổi ban đỏ. Vì vậy chị đã đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để khám, làm các xét nghiệm cần thiết thì được các bác sĩ thông báo chị mắc bệnh Lupus ban đỏ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng tóc của chị…

Trên đây chỉ là số ít trường hợp đã gặp các biến chứng hậu làm đẹp tại các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “ngoài luồng”. Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho biết: Hầu như tháng nào chúng tôi cũng tiếp nhận và điều trị các ca phẫu thuật thẩm mỹ gặp biến chứng hậu làm đẹp. Các biến chứng thường gặp nhất là ở những bệnh nhân tiêm chất làm đầy vùng ngực, mũi, má baby; hút mỡ...

Bác sĩ CKII Phạm Thu Hiền, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên: Thời gian qua, chúng tôi đã gặp không ít trường hợp bị biến chứng hậu làm đẹp da tại các spa, viện thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh, trong đó có những thương tổn khó khắc phục, nhất là tình trạng biến đổi sắc tố da.
Bác sĩ CKII Phạm Thu Hiền, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên: Thời gian qua, chúng tôi đã gặp không ít trường hợp bị biến chứng hậu làm đẹp da tại các spa, viện thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh, trong đó có những thương tổn khó khắc phục, nhất là tình trạng biến đổi sắc tố da.

Lời cảnh tỉnh của bác sĩ

Thực tế cho thấy, dù không được cấp phép hoạt động nhưng nhiều cơ sở làm đẹp trên địa bàn tỉnh vẫn tự ý thực hiện các thủ thuật không đúng với chức năng cho phép. Kỹ thuật viên tiêm, trực tiếp làm các thủ thuật không phải là nhân viên y tế, không được đào tạo chuyên về lĩnh vực làm đẹp.

Đáng nói, một số chỉ học làm theo, hoặc chọn các sản phẩm trôi nổi dẫn tới các biến chứng cho khách hàng. Trong khi đó theo quy định, các kỹ thuật xâm lấn, từ đơn giản đến phức tạp chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ.

Nguy hiểm nhất là khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp bởi những người không được đào tạo dễ xảy ra các biến chứng. Đặc biệt là ở những bệnh nhân tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào mũi, nhẹ thì gây hoại tử da, nặng gây mù mắt, nhồi máu, tai biến hoặc không cầm máu sau khi cắt mí mắt, tắc mạch, không tạo được hiệu quả thẩm mỹ.

Việc sử dụng các chất filler trôi nổi dễ gây dị ứng, chưa kể đến việc bị đánh tráo từ filler sang silicon lỏng, chất làm đầy không rõ nguồn gốc thì hậu quả khôn lường.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), khuyến cáo: Mọi người hãy cân nhắc lựa chọn những cơ sở làm đẹp có uy tín ngay từ ban đầu. Bởi khi thẩm mỹ hỏng một bộ phận nào đó trên cơ thể, không chỉ việc chỉnh sửa lại khó hơn mà còn tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí, sức khỏe...

Theo các chuyên gia y tế, phẫu thuật thẩm mỹ luôn tiềm ẩn các tai biến. Do đó, người dân nên tìm đến cơ sở làm đẹp được cấp phép hoạt động và có các bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao để hạn chế thấp nhất rủi ro và tai biến có thể xảy ra.

Đẩy mạnh hoạt động quản lý

Để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân, thời gian qua, ngành Y tế đã công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép hoạt động chuyên môn về thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh để người dân biết, lựa chọn và sử dụng dịch vụ thẩm mỹ. Đồng thời công khai các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở làm đẹp bị phát hiện hành nghề không có giấy phép, thực hiện dịch vụ thẩm mỹ sai quy định.

Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế: Người dân cần thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi gặp biến chứng hậu làm đẹp tại các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ để làm căn cứ giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người dân.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế: Người dân cần thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi gặp biến chứng hậu làm đẹp tại các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ để làm căn cứ giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người dân.

Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng nên công tác thanh, kiểm tra hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được các cấp, ngành chức năng thực hiện thường xuyên.

Chị L.H.M, công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên, người từng gặp biến chứng hậu làm đẹp da tại một spa ở TP. Phổ Yên, nói: Chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng xử lý nghiêm các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình hành nghề.

Hầu hết người dân đều đồng tình các cấp, ngành chức năng chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép, cơ sở hoạt động quá phạm vi chuyên môn được cho phép, cơ sở vi phạm về quảng cáo, kể cả đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật nếu vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng với đó, chủ tịch UBND các huyện, thành phố cũng cần vào cuộc tích cực, chỉ đạo phòng y tế và các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người hành nghề, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người dân trên địa bàn các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện thành lập và thực hiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ. Đồng thời chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (thẩm mỹ viện, spa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa da liễu) đang hoạt động trên địa bàn và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp sai quy định.