Thế hệ hôm nay nghĩ về lớp học thời chiến

Thảo Nguyên 11:08, 25/04/2024

Với chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp sau những năm đô hộ nước ta, năm 1945, có tới 95% người dân Việt Nam mù chữ. Bởi vậy, ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, Người đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết. Trong đó, nhiệm vụ chống nạn mù chữ, diệt “giặc dốt” đóng vai trò quan trọng thứ hai sau diệt “giặc đói”. Phong trào “Bình dân học vụ”, lớp học xóa mù ở thời chiến đã trở thành một phần của phong trào thi đua “Kháng chiến kiến quốc”, góp phần quan trọng vào công cuộc diệt “giặc dốt”.

Một lớp học bình dân học vụ. Ảnh: Tư Liệu
Một lớp học bình dân học vụ. Ảnh: Tư Liệu

Cảm phục và biết ơn

Sinh ra và lớn lên tại quê hương cách mạng ATK Định Hóa - Chiến khu Việt Bắc, anh Nguyễn Kiên Cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Đình (Định Hóa) từng được nghe ông bà, bố mẹ kể lại và biết đến phong trào “Bình dân học vụ”, những lớp học xóa mù, phổ cập cho đồng bào, nhân dân, lớp học thời chiến dưới tiếng gầm rít của máy bay Mỹ (thời kỳ 1964-1972). Anh chia sẻ: Tôi rất khâm phục ý chí, tinh thần vượt khó diệt “giặc dốt” của cha ông từ những lớp học "có một không hai" này. Hồi ấy, lớp học ở khắp nơi, học vào trưa, chiều, tối. Những người biết chữ trở thành thầy, cô giáo dạy cho những người chưa biết chữ. Sách bút thiếu thốn đủ đường, có khi còn dùng cả giấy bản, giấy thô làm vở. Có những buổi đang học nghe thấy báo động có máy bay là phải nhanh chóng xuống hầm trú ẩn...

Các cháu của bà Lê Thị Hoa, xóm Cầu Đá, xã Trung Lương (Định Hóa) cũng rất chăm chú, háo hức về những câu chuyện lớp học thời chiến qua lời kể của bà. Cậu cháu lớn của bà nhanh nhảu: Hồi đó học sinh đủ mọi lứa tuổi, từ thiếu nhi, thanh niên và cả người già. Lớp học ở gầm sàn, nhà dân, gốc cây to; chữ viết sẵn trên bảng, treo trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao để bà con cùng nhau học tập. Một số lớp còn phải học ở dưới hầm cho an toàn. Bàn ghế thì kê vài mảnh gỗ, bảng bằng mấy tấm ván, lấy nhọ nồi và bi chuối hoăc rau lang sơn đen, có khi phải dùng cả gạch non, than củi làm phấn. Tại những lớp học buổi tối, mọi loại đèn sẵn có đều được tận dụng như dầu lạc, dầu nhựa trám, hạt bưởi...

Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, giáo dục truyền thống cách mạng, Lý Anh Thư, sinh viên K45, Trường Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) đã cảm nhận: Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ, miền Bắc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Vào năm 1966, theo lời Hiệu triệu của Bác Hồ, nhân dân miền Bắc đã đóng góp sức người, sức của "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", vì miền Nam ruột thịt thân yêu. Thời điểm ấy, một trong những nhiệm vụ kiến thiết đất nước ở miền Bắc là "diệt giặc dốt", phong trào "Bình dân học vụ", lớp vỡ lòng, xóa mù chữ đã được triển khai và lan rộng đến những làng quê...

Giờ học của các em học sinh dân tộc Mông lớp 4, Điểm trưởng Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ).
Giờ học của các em học sinh dân tộc Mông lớp 4, Điểm trường Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ).

Thành tựu hôm nay

Từ những câu chuyện, thông tin ý nghĩa, đã giúp cho thế hệ hôm nay hiểu sâu sắc hơn về hoàn cảnh, sự thiếu thốn, khó khăn của những lớp học thời chiến, cùng với chiến dịch chống nạn mù chữ trong toàn dân, hướng đến mục tiêu xây dựng chương trình hành động thiết thực nhằm tổ chức lại nền giáo dục nước nhà. Qua đó, như một thông điệp nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và sau này phải gắng sức, chăm chỉ học tâp, công tác để nắm vững kiến thức, trở thành những người công dân toàn cầu, cống hiến tri thức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Những phong trào, lớp học như thế là nển tàng, kỳ tích quan trọng đưa công cuộc học tập của dân tộc Việt Nam bước lên tầm cao mới.

Thái Nguyên có vị trí quan trọng, chiến lược trong những năm kháng chiến, cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp sức người, sức của cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh tan “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh, đạt kết quả toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giáo dục luôn quan tâm và được đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ nhiều năm nay, toàn tỉnh đạt phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi tại 100% xã, phường, thị trấn; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; xóa mù chữ đạt mức độ 2.

Toàn tỉnh hiện có 692 cơ sở giáo dục, với 346.476 học sinh; số trường học đạt trường chuẩn Quốc gia chiếm tỷ lệ 88,84%. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 92,19%; cơ sở vật chất được đầu tư, trường lớp ngày càng khang trang, sạch, đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện của học sinh. Ngành Giáo dục đã tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng mở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh...

Giờ hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THCS Quang Trung (TP. Thái Nguyên).
Giờ hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THCS Quang Trung (TP. Thái Nguyên).

Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên - một trong những Đại học vùng đang khẳng định được vị thế trong hệ thống đại học cả nước. Hiện Đại học Thái Nguyên có 7 trường đại học 1 trường cao đẳng thành viên; 2 trường, khoa trực thuộc; 2 phân hiệu đào tạo tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang; Nhà xuất bản và Tạp chí Khoa học và công nghệ; 12 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Quy mô đào tạo hiên nay là trên 70 nghìn người học; đã và đang hợp tác đào tạo với trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Phần lớn người học sau khi tốt nghiệp đều phát huy năng lực, vận dụng tốt kiến thức được đào tạo vào thực tiễn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và đất nước...