Khi người nghèo được trao “cần câu”

Hải Hằng 09:19, 12/10/2022

Nếu như trước đây, chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số ở Đại Từ nhìn chung đều là hình thức “cho con cá” thì những năm gần đây đã dần chuyển sang “cho cần câu” nhằm tạo điều kiện, động lực để đồng bào dân tộc thiểu số biết cách làm ăn, tăng thu nhập.

Nhờ được tham gia tập huấn, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phúc Lương (Đại Từ) đã thay đổi tư duy làm chè, nên năng suất ngày càng tăng cao.
Nhờ được tham gia tập huấn, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phúc Lương (Đại Từ) đã thay đổi tư duy làm chè, nên năng suất ngày càng tăng cao.

Chúng tôi đến xã Phúc Lương vào đúng mùa thu hoạch lúa, bà con tập trung ngoài cánh đồng vui vẻ cười nói, nét mặt rạng rỡ niềm vui. Năm nay, lúa trên đồng đất Phúc Lương được mùa, năng suất ước đạt 58 tạ/ha. Để có những mùa vàng bội thu, người dân trong xã đã tích cực đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Đồng chí Triệu Quang Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Lương, cho biết: Phúc Lương là xã đặc biệt khó khăn, với 95% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, cái khó nhất của Phúc Lương là người dân quen với tập quán canh tác cũ nên năng suất, chất lượng cây trồng không cao. Nhưng nhiều năm gần đây bà con được tham gia các lớp tập huấn nên đã thay đổi nhận thức và cách làm, mạnh dạn đưa giống cây, con mới vào sản xuất, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hơn.

Bên cạnh việc được tuyên truyền, nâng cao kiến thức sản xuất, người dân còn được hỗ trợ mua máy móc, nông cụ như: Máy bơm nước, quạt thóc, máy chế biến chè, máy cày, máy phun thuốc bảo vệ thực vật… nhờ đó từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Nhờ thay đổi tư duy, cách làm, năm 2005, ông Nguyễn Văn Quang đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi, phân bón và tạp hóa. Ngoài ra, trên diện tích hơn 8 sào ruộng của gia đình, ông cấy giống lúa lai 2 vụ, còn vụ Đông, ông trồng thêm ngô, khoai tây, Nhờ đó, kinh tế gia đình ông ngày một khấm khá, trở thành tấm gương làm kinh tế ở xã…

Thời gian gần đây, đời sống của người dân xã Quân Chu đã thay đổi nhiều nhờ được đầu tư các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đồng chí Lê Văn Toản, Bí thư Đảng ủy xã Quân Chu, cho biết: Vốn là xã miền núi khó khăn của huyện, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 44,1% tổng số dân), từ năm 2015 đến nay, xã được Nhà nước đầu tư trên 4 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, kênh mương…

Ngoài xã Quân Chu, riêng trong năm 2021, huyện đã thực hiện 42 công trình duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn 16 xã; 53 công trình xây dựng hạ tầng tại 8 xã (16 công trình giao thông, 2 công trình điện, 3 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, 10 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình trạm y tế, 4 công trình trường lớp học, 17 công trình thủy lợi nhỏ). Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vùng dân tộc phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Đại Từ hiện có 483 xóm, tổ dân phố, với trên 165.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 27% (tập trung chủ yếu ở các xã: Phúc Lương, Đức Lương, Quân Chu…). Xác định giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển không chỉ là cho “con cá”, mà quan trọng là phải làm sao để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cách làm, tạo “đòn bẩy” phát huy nội lực, thông qua triển khai các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào, Đại Từ đã căn cứ vào điều kiện, đặc thù của từng địa phương để triển khai phù hợp.

Từ cách làm đó, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động, cố gắng hơn trong tính toán làm ăn, dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại để tích cực học tập, trau dồi, đổi mới cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, Đại Từ không còn xã, xóm đặc biệt khó khăn, 17/23 xã, thuộc vùng dân tộc thiểu số đã đạt chuẩn nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách với các vùng khác.


Từ khóa:

Đại Từ

giúp người nghèo