Phòng tránh sạt lở đất: Người dân lo nhưng “cái khó bó cái khôn”

Vũ Công 07:34, 06/02/2023

Trong những năm qua, không ít hộ dân ở khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh đã xả đất đồi để lấy mặt bằng làm nhà ở và một số công trình khác, nhưng không có các biện pháp đảm bảo an toàn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa bão.

Theo quy định của ngành Xây dựng, việc xây dựng nhà và các công trình khác ở dưới chân ta luy dương phải đảm bảo: Khoảng cách tối thiểu 10m, xây dựng hệ thống kè chắn, mối giằng và các biện pháp gia cố, phòng chống sạt lở đất…

Năm 2020, khi tuyến đường tỉnh 273 từ xã Minh Lập đi xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) được đầu tư nâng cấp mở rộng từ 5,5m lên 7,5m, để thuận tiện trong việc đi lại và phát triển kinh tế gia đình, bà Vũ Thị Thu, xóm Trung Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), đã san gạt quả đồi để xây dựng nhà ở. Ngôi nhà của bà Thu cách ta luy dương cao 50m phía sau chỉ hơn 1m và không có các biện pháp chống sạt lở.

 

Bà Vũ Thị Thu luôn nơm nớp lo sạt lở ta luy dương phía sau nhà.
Bà Vũ Thị Thu luôn nơm nớp lo sạt lở ta luy dương phía sau nhà.

Bà Thu cho hay: Lúc đầu tôi thấy bình thường, nhưng năm 2022 khi trên địa bàn tỉnh có trường hợp sạt lở ta luy làm chết người tôi bắt đầu thấy lo lắng. Dù vậy, muốn hạ độ cao lại gặp khó khăn do không còn chỗ để san gạt đất.

Cũng như bà Thu, năm 2016, khi làm nhà, bà Đỗ Thị Nga, xóm Đồng Mưa, xã Lục Ba (Đại Từ), cũng chỉ xây cách chân ta luy dương phía sau nhà hơn 2m. Vì vậy, trận mưa lớn trong tháng 5/2022 đã khiến bùn đất tràn vào nhà, công trình phụ, tường cũng bị rạn nứt một phần.

Bà Nga cho biết: Hiện nay, việc khắc phục gặp không ít khó khăn do các hộ dân bên cạnh đều đã xây dựng hết nên máy móc không vào được, quả đồi phía sau lại là của một hộ khác. Tôi và một số gia đình đang vận động hộ dân đó bán lại một phần diện tích đất để xây dựng kè chắn.

Từ khi xây nhà đến nay, gia đình bà Đỗ Thị Nga đã 2 lần bị bùn đất tràn vào nhà.
Từ khi xây nhà đến nay, gia đình bà Đỗ Thị Nga đã 2 lần bị bùn đất tràn vào nhà.

Không chỉ có bà Thu, bà Nga mà còn có nhiều hộ dân khác trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh tương tự. Đơn cử như xã Phú Tiến (Định Hóa) có khoảng 25% số hộ dân (xã có tổng số 863 hộ dân) xây dựng nhà và công trình khác dưới chân ta luy dương, nhưng rất ít hộ có biện pháp chống sạt lở.

Ông Ngô Tuấn Sơn, Chủ tịch UBND xã Phú Tiến, chia sẻ: Việc san gạt đồi để làm nhà trên địa bàn xã đã diễn ra từ nhiều năm trước. Những hộ dân này đa phần thiếu những khu đất an toàn, bằng phẳng để làm nhà hoặc không đủ khả năng mua vị trí khác. Đa số hộ khi xây dựng lại làm nhà sát chân núi, ta luy dương mà không có giật cấp hoặc kè chống sạt lở. Việc khắc phục tình trạng này hiện nay gặp không ít khó khăn bởi theo quy định người dân chỉ được phép san gạt đất đồi trong phạm vi đất của gia đình.

Thiết nghĩ, để đảm bảo tính mạng cũng như tài sản của người dân trong mùa mưa bão, hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra, các ngành chức năng và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trước khi san hạ đồi xây dựng các công trình cần có biện phát đảm bảo an toàn, chống sạt lở; có cơ chế, giải pháp linh hoạt tạo điều kiện cho người dân khắc phục những hạn chế trên.