Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy những thế mạnh, tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới. Theo đó, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được coi là một trong những khâu đột phá. Từ đó đặt ra yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần bám sát chủ trương, có giải pháp đồng bộ, linh hoạt để giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Do địa hình phức tạp, giao thông khó khăn nên cán bộ Trạm Y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) khá vất vả khi đi vận động người dân thực hiện các chương trình y tế. Vì vậy, chính sách hỗ trợ, thu hút, khuyến khích đội ngũ cán bộ này là rất cần thiết. |
Từ công tác thu hút cán bộ...
Trong khi nhiều trạm y tế, nhất là ở các xã còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, không thu hút được bác sĩ thì năm 2020, bác sĩ Lê Thị Thảo đã tình nguyện về Trạm Y tế xã Thần Sa (Võ Nhai) công tác. Đây được xem là một quyết định “táo bạo”, bởi với nền tảng là một bác sĩ đa khoa, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm chuyên môn, bác sĩ Thảo có nhiều cơ hội phát triển tại các cơ sở y tế tuyến trên. Trong khi đó, Thần Sa là địa bàn còn nhiều khó khăn, với 99% số người dân tộc thiểu số.
Bác sĩ Thảo cho hay: Đang công tác ở nơi có điều kiện tốt hơn, khi chuyển về Trạm, tôi phải làm quen với môi trường làm việc ở vùng khó. Tuy vậy, tôi yên tâm gắn bó khi lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện không chỉ động viên, khích lệ mà còn dành cho tôi những chế độ đãi ngộ phù hợp.
Theo ông Hà Văn Rã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, được đào tạo hệ chính quy tại Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên và đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại cơ sở y tế tuyến huyện, bác sĩ Thảo không chỉ hoàn thành tốt vai trò của bác sĩ ở tuyến xã, mà còn xử trí và điều trị được những ca bệnh phức tạp của tuyến trên ngay tại cơ sở. Do đó, để khuyến khích các bác sĩ về y tế tuyến xã, tập thể lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện quyết định đưa bác sĩ Thảo về Trạm Y tế xã Thần Sa để tạo nguồn và đã bổ nhiệm vào vị trí Trạm trưởng.
Với trường hợp của bác sĩ Thảo, ngoài lý do là người địa phương thì chế độ đãi ngộ trong việc cất nhắc, bổ nhiệm cũng là điều quan trọng để thu hút nữ bác sĩ sinh năm 1987 về với y tế tuyến xã.
Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng: "Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý, sử dụng, bảo đảm về số lượng, chất lượng và có năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới". |
Từ câu chuyện của bác sĩ Thảo có thể thấy, ngoài những chế độ đãi ngộ của Nhà nước thì sự nhạy bén, linh hoạt trong cách điều hành, vận dụng các chính sách ưu đãi, nhất là trong tạo nguồn, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ, đảng viên cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn bó lâu dài với địa bàn vùng khó. Đây cũng chính là hướng mở nhiều địa phương có thể vận dụng khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, cán bộ khoa học trẻ…
Bà Thái Thị Thìn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Định Hóa, nói: Theo tôi, việc tăng cường cơ chế, chính sách thu hút, tuyển chọn những người có chuyên môn, nghiệp vụ về các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiếu số là rất cần thiết. Đặc biệt là quan tâm thu hút, tuyển chọn những người tốt nghiệp đại học, sau đại học có khả năng đáp ứng ngay yêu cầu công việc để bổ sung cán bộ cho các vùng sâu, vùng xa.
Một số ý kiến cũng cho rằng, không chỉ vận dụng linh hoạt trong việc khuyến khích, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ từ cấp huyện về công tác tại miền núi, vùng cao, các địa phương cũng nên tạo điều kiện cho cán bộ ở cấp xã, có trình độ chuyên môn, năng lực được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo ở cấp cao hơn…
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Võ Nhai) là một "cái nôi" nuôi dạy, đào tạo nguồn cán bộ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. |
...Đến tăng cường đào tạo và tạo nguồn tại chỗ
Ngay sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa, tháng 11-2022, chị Hoàng Thị Lan, sinh năm 1995, người dân tộc Mông, ở bản Na Sàng, xã Phú Đô, đã được Trung tâm Y tế huyện Phú Lương tuyển dụng vào làm việc. Lan là người dân tộc Mông thứ 2 của Thái Nguyên tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Tin vui nữa là sau một thời gian làm việc và luôn có ý thức phấn đấu vươn lên, tháng 8-2023, chị được đơn vị giới thiệu tham gia lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng.
Chị Lan chia sẻ: Năm 2015, tôi vào học tại Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên theo hệ cử tuyển. Do trường luôn có mức điểm chuẩn rất cao, nên nếu không được ưu tiên theo hệ cử tuyển, tôi khó có thể hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ.
Câu chuyện về một học sinh người dân tộc thiểu số đã hoàn thành tâm nguyện trở thành bác sĩ và trở về góp sức phục vụ quê hương của Lan đang truyền cảm hứng cho nhiều người con ở các bản, làng vùng cao của tỉnh - nơi điều kiện sống, học hành của con trẻ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong thời điểm ngành Y tế Thái Nguyên vẫn đang "đi tìm" bác sĩ như hiện nay, việc tuyển dụng được một bác sĩ người dân tộc thiểu số về công tác tại miền núi rất có ý nghĩa.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lương, cho hay: Vừa có sức trẻ, lòng nhiệt huyết lại được đào tạo bài bản, bác sĩ Lan là nguồn nhân lực kế cận của địa phương. Từ tháng 9-2023, Trung tâm đã điều chuyển bác sĩ Lan về xã Phú Đô, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng khó.
Không chỉ trường hợp chị Hoàng Thị Lan, nhờ có chính sách ưu đãi trong tuyển sinh đại học, cao đẳng đối với học sinh miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, nhiều người ở Thái Nguyên đã trở thành cán bộ, giáo viên…
Ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ: "Trước những yêu cầu đặt ra, ngành Nội vụ tiếp tục rà soát đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở cơ sở, viên chức, nhất là đối với người dân tộc thiếu số và công tác ở vùng khóp; quan tâm xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc... cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số". |
Theo tổng kết của ngành Nội vụ, chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc gia của Nhà nước đã cải thiện được sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.
Thực tế cũng cho thấy, các chính sách như: Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; đầu tư, phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú và trường dự bị đại học; hỗ trợ về ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức và chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và dạy nghề... đang rất cần được Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm.
Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) thu hút nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số ở các khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh về học. Trong ảnh: Sinh viên nhập học tại Trường. |
Đội ngũ nhân lực trẻ được đào tạo chính quy, bài bản chính là lực lượng mới, với tư duy mới, có thể góp phần tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó.
Riêng tại Thái Nguyên, tỉnh luôn quan tâm, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số nói riêng phát triển. Tuy vậy, với những kết quả đã đạt được và tình hình nguồn nhân lực hiện nay, thiết nghĩ, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số gắn liền với đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.
Tựu chung là cần làm tốt hơn nữa việc thu hút, quy hoạch, đào tạo và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao tại vùng khó khăn của tỉnh.
(Hết)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin