Cuối tháng Tư, tiết trời Thái Nguyên không còn ẩm ướt nữa. Trên những bản, làng vùng cao ở các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ…, lúa đã bắt đầu chắc hạt. Chỉ 2, 3 tuần nữa thôi, khi những bông lúa uốn câu, trĩu hạt, rồi chín vàng, người vùng cao lại bước vào một vụ thu hoạch mới. Đã qua rồi những tháng ngày đói khổ. Hôm nay, ở các bản, làng vùng cao, người dân không còn phải lo chạy ăn từng bữa ngày giáp hạt. Hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế đã được quan tâm đầu tư.
Đường vào bản Khuổi Mèo (xã Sảng Mộc, Võ Nhai) đã được đầu tư. |
Cơm, áo không còn là mối lo
Trong chuyến công tác lên bản người Mông Mỏ Ba (xã Tân Long, Đồng Hỷ) mới đây, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là những bao thóc chất đầy trong nhà của các hộ dân. Theo chia sẻ của anh Hồng Văn Dình, 4 năm trở lại đây không còn nhà nào trong bản phải lo chạy ăn từng bữa những ngày giáp hạt nữa. Nhà thì trồng ngô bán lấy tiền đong gạo, nhà thì có ruộng, chủ động được nước tưới nên mỗi năm cấy hai vụ lúa, cũng đủ ăn.
Đáng mừng khi ở địa bàn khó khăn như Mỏ Ba đời sống của người dân đã có những đổi thay tích cực như thế và tại các xóm, bản vùng cao khác, chất lượng cuộc sống của bà con cũng ngày càng được nâng lên. Anh Lầu Văn Bằng, người dân tộc Mông, khu Đồng Ươm, xã Dân Tiến (Võ Nhai), nói: Đảng đã mang về ấm no cho người Mông mình. Từ giống cây lương thực (lúa, ngô), cây ăn quả (na, bưởi, ổi...) có năng suất cao, chất lượng tốt cho đến những con trâu, bò béo tốt đều là do Đảng, Nhà nước mang về đây.
Vậy là sau bao năm quanh quẩn với đói nghèo, người dân vùng cao Thái Nguyên đã vươn lên, không còn phải lo có đủ cơm ăn, áo mặc. Vì lẽ ấy, lũ trẻ cũng được đến trường trong sự quan tâm, chăm sóc của thầy cô và mẹ cha. Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, cho hay: Những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước chính là đòn bẩy để các địa bàn khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của tỉnh ngày càng thay da đổi thịt. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021-2025).
Được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân ở bản Tèn (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ) có điều kiện đầu tư chăn nuôi trâu, bò. |
Đi được hơn nửa chặng đường, 10 dự án của Chương trình đã hỗ trợ cho người dân vùng khó về nhà ở, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển giáo dục và chăm sóc sức khỏe người dân… Đến nay, có hơn 30 công trình nước sinh hoạt tập trung đã đầu tư tại các địa bàn vùng khó của tỉnh; gần 6.000 hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.
Ngoài ra, 3 dự án ổn định dân cư tập trung (xóm người Dao Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai; bản Tèn và bản Liên Phương, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ) với kinh phí trên 78 tỷ đồng cũng đã được triển khai.
Đáng nói, 18 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại 2 huyện Phú Lương, Định Hóa cũng đã được khởi động; hơn 100 công trình giao thông, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng mang lại diện mạo mới cho những địa bàn vùng cao trong tỉnh.
Nông thôn mới về… bản
Với các địa bàn vùng khó của tỉnh, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) như một luồng gió mang tới sự đổi thay đáng kinh ngạc. Từ thực hiện Chương trình, nhiều tiêu chí khó như giao thông, điện… được các ngành, địa phương dồn lực để hoàn thành đã giúp người dân vùng cao được hưởng lợi.
Đơn cử như việc đầu tư xây dựng hơn 5km đường lên bản Tèn - bản người Mông nằm trên thung núi cao ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). 10 năm trước, đường lên bản Tèn được ví như đường “lên trời” vậy. Tuy nhiên, nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm, con đường bê tông uốn lượn xuyên qua triền núi đã kéo bản Tèn gần với trung tâm xã, huyện và tỉnh hơn. Có địa thế đẹp, mỗi mùa lúa chín, bản người Mông này trở thành điểm du lịch hấp dẫn với nhiều du khách. Từ đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân bản địa.
Hay như việc đầu tư đường điện vào xóm người Dao Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai), cũng được xem là một “kỳ tích” của Thái Nguyên. Chính nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên ngày 1/9/2020, Điện lực Võ Nhai (Công ty Điện lực Thái Nguyên) đã đóng điện đường dây, trạm biến áp cấp điện cho 49 hộ dân, Điểm trường và Nhà văn hóa xóm Cao Biền. Đây là xóm cuối cùng của Thái Nguyên được cấp điện lưới quốc gia. Từ ngày có điện, đời sống của người dân Cao Biền đã có sự đổi thay tích cực. Không chỉ phục vụ thắp sáng, điện còn giúp người dân đưa các loại thiết bị hiện đại vào phục vụ sản xuất, sinh hoạt…
Người dân xã La Hiên (Võ Nhai) tập trung phát triển mạnh cây na. |
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh, chia sẻ: Ở các địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh, sức dân có hạn trong khi suất đầu tư lớn. Bởi vậy, sự “tiếp sức” từ các chương trình, dự án phục vụ xây dựng NTM rất có ý nghĩa, giúp cho những cung đường vắt qua các triền núi, lưng đồi được hình thành, mở rộng và cứng hóa; hệ thống điện lưới được nâng cấp; các trạm y tế được xây dựng khang trang… Đáng mừng là hết năm 2023, 5 trong 10 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh đã đạt chuẩn NTM.
Không dừng lại ở đó, từ thực hiện Chương trình, công tác phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm. Hiện, 100% xã trên toàn tỉnh đạt và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2; duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt trên 90%.
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, ở vùng cao, niềm vui như được nhân lên khi từ người già đến trẻ nhỏ đều được khoác trên mình tấm áo mới; nhiều nếp nhà cũng vừa hoàn thành còn nồng thơm mùi vữa. Cả những cung đường đang tiếp tục được mở rộng, cứng hóa mở ra tương lai mới tươi đẹp. Ai cũng hiểu, Đảng đã đưa đường, chỉ lối để người vùng cao có cuộc sống ấm no hôm nay…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin