Đến với đồng bào vùng cao Võ Nhai dù chỉ một lần, chúng ta sẽ cảm nhận được ngay sự mộc mạc, chất phác, chân tình của bà con. Nhưng để hiểu đồng bào đã phải đối diện với khó khăn, vươn lên trên những miền đất “ngẩng đầu là núi, cúi xuống là thung sâu” như thế nào lại cần quá trình “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” mới có thể cảm thông và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Những năm qua, huyện Võ Nhai đã triển khai thực hiện tốt vấn đề này…
Các đồng chí lãnh đạo huyện Võ Nhai luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, kịp thời động viên, khích lệ, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn, làm giàu chính đáng. |
Các xóm Lũng Cà, Lũng Luông, Lũng Hoài (xã Thượng Nung); Khuổi Mèo, Khuổi Chạo (xã Sảng Mộc) hay Cao Biền (xã Phú Thượng) - những địa danh một thời đã trở thành nỗi ái ngại khi ai đó có công việc phải đến, nay như gần hơn bởi ô tô có thể vào tận trung tâm các xóm theo những con đường bê tông phẳng phiu uốn lượn qua lưng đồi, lưng núi.
Đứng trên mỏm núi cao, chúng ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những vườn na, bưởi ở các xã La Hiên, Lâu Thượng, những cánh rừng ngát xanh ở Nghinh Tường, Vũ Chấn, Cúc Đường, hay những ruộng nương tươi tốt lúa, ngô ở Dân Tiến, Phương Giao, Tràng Xá…
Điều đó cho thấy, huyện Võ Nhai đã khai thác, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh mang tính đặc thù của từng địa phương, cùng với đó là tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn, giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp…
Dẫu biết rằng, bài toán kinh tế chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức hay đơn vị, doanh nghiệp nào…, dù có thể họ đang phát triển trong một môi trường có nhiều thuận lợi. Huống chi với một huyện vùng cao duy nhất của tỉnh như Võ Nhai, nơi có hơn 72% số dân là đồng bào DTTS, trình độ dân trí không đồng đều, dân cư sống không tập trung, địa hình chia cắt, phức tạp; diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 13%… Phân tích như vậy để thấy rõ hơn sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai trong hành trình vượt khó để thu về những “trái ngọt”.
Những năm gần đây, cây chè được huyện vùng cao Võ Nhai xác định là một trong những cây trồng thế mạnh, góp phần quan trọng giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nâng cao thu nhập. |
Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn của huyện đã có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã; 15/15 xã, thị trấn có trụ sở làm việc khang trang, đáp ứng cơ bản các điều kiện làm việc của cán bộ, công chức cấp xã; 151/153 xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm, bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa; 152/153 xóm có nhà văn hóa; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; 97% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 50/60 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% xóm có dịch vụ Internet...
Ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển những sản phẩm đặc thù, sẵn có tại địa phương; tận dụng hiệu quả các chương trình, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi bền vững, tăng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương; chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hàng hóa, kết hợp chế biến…
Đến nay, huyện đã có 15 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 1.056 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên đất nông nghiệp trồng trọt đạt 104,5 triệu đồng/ha. Huyện duy trì độ che phủ rừng đạt 70%, công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng được tăng cường…
Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, tại thời điểm năm 2022, trên địa bàn huyện Võ Nhai có 3.047 hộ nghèo là người DTTS/12.997 hộ, chiếm 23,44%; đến nay số hộ nghèo là người DTTS giảm xuống còn 1.938/12.964 hộ, chiếm 14,95%. Huyện có 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn (NTM) mới nâng cao (Phú Thượng, La Hiên). Năm 2024, huyện phấn đấu có thêm một xã đạt chuẩn NTM (Phương Giao), một xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Lâu Thượng), một xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Phú Thượng).
Đoàn kết, thân ái trong đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh để huyện Võ Nhai xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc thiểu số dạy nhau thêu thùa. |
Giai đoạn 2024-2029, huyện Võ Nhai phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS bằng 60% bình quân chung cả nước; 100% xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 8% (theo tiêu chí mới); 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn; trên địa bàn huyện không còn xã đặc biệt khó khăn; thực hiện quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 100% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá...
Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đã làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai đối với công tác dân tộc. Bà con luôn nhận thức được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp, để từ đó nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Võ Nhai đã triển khai thực hiện 10 dự án (với tổng nguồn vốn đầu tư trên 291 tỷ đồng) để giải quyết các vấn đề như: Tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn liền với phát triển du lịch... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin