Ngành Y tế đi tìm… bác sĩ, kỳ II: Đổi mới trong tuyển dụng và đãi ngộ

Nhóm P.V 13:50, 01/04/2023

Hiện nay, nhiều chuyên ngành còn thiếu bác sĩ; một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, trạm y tế xã vẫn chưa tuyển đủ số bác sĩ theo yêu cầu. Trước thực trạng này, việc đổi mới cơ chế, chính sách trong tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực đang trở thành vấn đề cấp thiết của ngành Y tế tỉnh.

Trong kỳ II bài viết này, bên cạnh những cách làm mới, sáng tạo của các đơn vị, chúng tôi cũng nêu lên tiếng nói của những người trong nghề về một số giải pháp trong tuyển dụng và “giữ chân” các bác sĩ gắn bó lâu dài tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã…

Sau tuyển dụng, bác sĩ trẻ Hoàng Ngọc Anh đang tích cực làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên.
Sau khi được tuyển dụng, bác sĩ trẻ Hoàng Ngọc Anh đang tích cực làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên.

Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, các đơn vị trong Ngành đã xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực và các kỹ thuật chuyên môn. Trên cơ sở đó, Sở Y tế tổng hợp và xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chung cho toàn tỉnh, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, chú trọng đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở.

Bác sĩ Bàn Lệ Quyên, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ: Sau một thời gian làm việc tại Trung tâm, năm 2018, tôi được lãnh đạo cử đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa I. Trong thời gian đi học, tôi được giữ nguyên lương và được Trung tâm hỗ trợ toàn bộ học phí. Hiện nay, tôi là Phó khoa phụ trách Khoa Nội - Nhi - Hồi sức cấp cứu của Trung tâm.

Trong đó, giải pháp đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ; bố trí một số bác sĩ đào tạo theo địa chỉ đang được các đơn vị tích cực thực hiện. Mỗi năm, các đơn vị đều tạo điều kiện cho từ 2 đến 4 bác sĩ được tham gia đào tạo. Đặc biệt, những y sĩ có nhu cầu, thời gian công tác còn khá dài cũng được tạo điều kiện để theo học hệ bác sĩ chuyên tu.

Đơn cử như tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, mặc dù công tác tuyển dụng bác sĩ chưa đáp ứng được nhu cầu và thiếu người làm việc, nhưng đơn vị vẫn bố trí, sắp xếp cho cán bộ tham dự các lớp đào tạo chuyên sâu, cũng như tập huấn nâng cao nghiệp vụ, tay nghề do bệnh viện tuyến trên hỗ trợ. Ngoài ra, Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, mời giáo sư, bác sĩ giỏi ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đến để hướng dẫn, truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm.

Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, thông tin: Mỗi năm, Trung tâm cử 3-4 bác sĩ đi học chuyên khoa (CK). Hiện nay, 4 bác sĩ của đơn vị đang theo học hệ CKI về các lĩnh vực: sản khoa, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, nội và phục hồi chức năng. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục cử các bác sĩ đi học CKI về các chuyên ngành: hồi sức cấp cứu; da liễu, tâm thần kinh. Sau đào tạo, các bác sĩ không những được nâng cao tay nghề mà nếu đáp ứng tốt yêu cầu công tác, còn được bổ nhiệm, đảm nhận những vị trí chủ chốt của khoa, phòng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn chú trọng tạo điều kiện, khuyến khích các y, bác sĩ tại các trạm y tế tuyến xã đi học để vừa nâng cao trình độ, vừa bù đắp sự thiếu hụt bác sĩ tại tuyến cơ sở.

Cùng giải pháp này, tại các đơn vị như Trung tâm Y tế huyện Đại Từ, Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ và nhiều bệnh viện chuyên khoa, cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện của tỉnh đã cho “ra lò” nhiều bác sĩ CKI và II, bác sĩ chuyên tu...

Sáng tạo trong thu hút nhân lực

Cùng với đào tạo tại chỗ, một số bệnh viện chuyên khoa, cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đã có nhiều sáng tạo trong thu hút nguồn nhân lực. Điển hình là Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên. Với vị trí là trung tâm y tế của vùng lõi đô thị lớn nhất tỉnh, Trung tâm có những thuận lợi nhất định bởi địa phương có dân số đông. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những áp lực rất lớn, bởi phải “cạnh tranh” với hàng loạt các bệnh viện tuyến tỉnh đóng chân trên địa bàn và không ít các cơ sở y tế tư nhân. Chính vì vậy, ngoài chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh, Trung tâm cũng luôn chú trọng đến vấn đề nhân lực.

Những năm qua, Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên luôn quan tâm, đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng sẵn có tại đơn vị. Trung bình mỗi năm, Trung tâm cử hàng chục lượt y, bác sĩ đi học nâng cao tay nghề. Hiện nay, Trung tâm đang cử 1 cán bộ đi học bác sĩ CKII; 4 người đi học bác sĩ CKI; 3 thạc sĩ y tế cộng đồng…

Ngoài ra, Trung tâm có những chính sách đãi ngộ đặc biệt trong việc đào tạo, tuyển dụng bác sĩ, nhất là người có trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại đơn vị. Việc làm này không chỉ xuất phát từ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo, mà còn được đưa ra bàn thảo, quyết nghị tại Hội nghị cán bộ, công nhân, viên chức và đưa vào Quy chế cơ quan. Cụ thể, những người được cử đi đào tạo sau đại học được hỗ trợ 70% lệ phí đào tạo toàn khóa (đối với người đi học trong tỉnh) và 100% với người đi học ngoài tỉnh. Ngoài ra người đi học còn được hỗ trợ thêm tiền tàu xe đi lại…

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên: Trung tâm sẵn sàng chi trả tiền thu hút cho những người có học hàm, học vị cao. Cụ thể, mức thu hút sẽ là 150 triệu đồng/người đối với giáo sư; 80 triệu đồng/người đối với các phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ CKII; 60 triệu đồng/người đối với bác sĩ đã tốt nghiệp thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ CKI; 50 triệu đồng/người đối với các bác sĩ đa khoa hệ chính quy tốt nghiệp loại giỏi; 30 triệu đồng/người đối với các bác sĩ tốt nghiệp loại khá…

Nhờ có những chính sách đãi ngộ tốt nên thời gian qua, khi các trung tâm y tế tuyến huyện khác "chật vật" trong công tác tuyển dụng bác sĩ thì Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên là “mảnh đất lành” được nhiều bác sĩ trẻ tìm đến.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm đã tuyển dụng được 16 bác sĩ chính quy và tiếp nhận 6 bác sĩ từ các đơn vị khác chuyển đến, trong đó có 1 bác sĩ - tiến sĩ Nội. Hiện, bài toán thiếu bác sĩ làm việc các khoa, đơn vị trực thuộc cơ bản đã được Trung tâm giải quyết xong.

Bác sĩ trẻ Hoàng Ngọc Anh cho biết: Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên với tấm bằng loại khá, một số cơ sở y tế đã mời tôi đến công tác. Tuy nhiên, tôi đã quyết định dự tuyển và được nhận vào làm việc tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên. Lý do tôi lựa chọn gắn bó với Trung tâm là bởi môi trường làm việc tốt, lãnh đạo quan tâm và chính sách ưu đãi đặc biệt. Sau 1 năm công tác, tôi được cử đi đào tạo sau đại học tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội.

Tương tự, Bệnh viện Phổi Thái Nguyên cũng đã hoàn thành việc “công phá thành trì” thiếu bác sĩ bằng việc chi trả nguyên lương cho những bác sĩ mới được tuyển dụng trong thời gian đi học để họ yên tâm gắn bó với đơn vị. Bác sĩ trẻ  Đỗ Trung Hải, vừa được tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện, cho hay: Tôi rất yên tâm khi được đơn vị tạo điều kiện cho đi học định hướng chuyên ngành và vẫn được hưởng nguyên lương trong quá trình đi học…

Có thể nói, hiện nay, ngành Y tế còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với vấn đề tuyển dụng bác sĩ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện chuyên khoa; tuyến huyện, xã. Tuy nhiên, trong tình trạng khó khăn chung, chúng ta vẫn thấy có những điểm sáng, cách giải quyết vấn đề mang tính sáng tạo, đột phá, dám nghĩ dám làm...

Bởi vậy, lãnh đạo ngành Y tế tỉnh cho rằng, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành nói chung thì các cơ sở y tế, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý cơ sở y tế cấp huyện, trạm y tế xã cũng cần nghiên cứu, tìm ra những giải pháp phù hợp để từng bước khắc phục khó khăn, nhất là trong khâu tuyển dụng bác sĩ.