Thái Nguyên: Chủ động giám sát dịch bệnh do vi-rút Marburg

Tùng Lâm 13:18, 03/04/2023

Những ngày qua, người dân trong tỉnh khá lo lắng khi trên thế giới lại xuất hiện các trường hợp nhiễm vi-rút Marburg, với tỷ lệ tử vong cao. Không ít người đang rất quan tâm tới “động thái” của ngành chức năng trong tỉnh khi mới đây, Bộ Y tế đã yêu cầu giám sát người nhập cảnh vào nước ta kể từ sau dịch COVID-19.

Cũng giống như COVID-19, vi rút Marburg rất nguy hiểm với sức khỏe của người dân. Trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong những ngày bão dịch tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên.

Cũng giống như COVID-19, vi-rút Marburg rất nguy hiểm với sức khỏe con người. Trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong những ngày "bão dịch" tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên.

Marburg là một loại RNA vi-rút thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự "cơn ác mộng toàn cầu" Ebola. Loại vi-rút này có thể lây lan từ các động vật nhiễm, trong đó có loài dơi. Ngoài ra, vi-rút cũng lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hoặc các bề mặt nhiễm mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh đối với vi-rút Marburg dao động từ 2 đến 21 ngày.

Hiện nay, chưa có vắc-xin cũng như cách điều trị loại vi-rút này. Các triệu chứng khi nhiễm Marburg là sốt cao và xuất huyết. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các đợt bùng phát dịch Marburg trước đây tại châu Phi xảy ra tại Angola, Cộng hòa dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda. Loại vi-rút này cũng gây chết nhiều người như vi-rút Ebola, với tỷ lệ tử vong từ 24 đến 88% trong các đợt bùng phát trước (tùy vào các chủng khác nhau và cách xử lý của từng nước).

Từ khi được ghi nhận lần đầu vào năm 1967, các đợt bùng phát bệnh Marburg đều diễn ra lẻ tẻ, nhưng tần suất đang gia tăng vào những năm gần đây. Trong đợt bùng phát dịch Marburg được thông báo vào ngày 7-2 vừa qua, Guinea Xích đạo đã báo cáo 9 ca tử vong và 16 ca nghi nhiễm; Cameroon cũng báo cáo 2 ca nghi nhiễm đầu tiên tại nước này.

Thường xuyên theo dõi tình hình thời sự, ông Tiết Văn Khuê, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), lo lắng: Vừa trải qua 3 năm dịch COVID-19, phải chứng kiến nhiều người tử vong do dịch bệnh, tôi thấy rất lo ngại khi những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng xuất hiện người nhiễm Marburg tại châu Phi. Bởi vậy, tôi mong cơ quan chức năng trong tỉnh có các biện pháp kiểm soát, cũng như hướng dẫn người dân cách phòng tránh dịch bệnh.

Để chủ động trong công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg xâm nhập, lan truyền trên địa bàn tỉnh và đảm bảo an toàn, sức khỏe cho nhân dân, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh tại cộng đồng và cơ sở y tế. Đồng thời, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia châu Phi trong vòng 21 ngày); phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán.

Trong trường hợp nếu phát hiện có ca bệnh, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện quản lý chặt chẽ và kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh Marburg và các biện pháp phòng, chống để người dân không hoang mang, lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Theo WHO, các nhóm đối tượng có nguy cao nhiễm Marburg là nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên y tế, nhân viên nhà tang lễ… nên nhóm người này cần thực hiện nghiêm các quy định an toàn trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, các nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, cơ thể cần được bao phủ hoàn toàn trong bộ quần áo bảo vệ với hệ thống khí thở nội bộ; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng đồ bảo hộ như: đeo găng tay, đeo tháo mặt nạ, kính bảo vệ, áo choàng… Các thiết bị y tế phải được khử trùng đúng quy định.

Còn trong cộng đồng dân cư, theo ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên: Người dân không nên quá lo lắng vì nếu không tiếp xúc với người bệnh thì không có khả năng lây bệnh. Do đó, cùng với việc kiểm soát của ngành Y tế, người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân như: báo ngay cho y tế địa phương khi phát hiện ca xâm nhập từ châu Phi có các triệu chứng của bệnh; giữ gìn môi trường sống sạch sẽ; tiếp tục duy trì thói quen đeo khẩu trang khi đến nơi đông người…