Lan tỏa thông tin tích cực trên mạng xã hội

Nguyễn San 08:31, 16/04/2023

Cùng với sử dụng mạng Internet, hiện nay người dân Việt Nam đang xem mạng xã hội (MXH) như là kênh thông tin, giải trí không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Theo thống kê, nước ta hiện đang đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người dùng MXH. Đây vừa là thuận lợi, nhưng cũng là thách thức rất lớn trong công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin xấu độc. Hiện nay, cả nước đang hưởng ứng phong trào lan tỏa thông tin tích cực trên MXH nhằm xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh.

 

Ở nước ta, số người dùng MXH đã lên tới trên 70 triệu, trong đó có khoảng 95% người dùng Internet sử dụng MXH Facebook, đưa nền tảng quốc tế này trở thành kênh truyền thông xã hội hàng đầu trong nước. Đứng kế tiếp lần lượt là các mạng Zalo, Tiktok, YuoTube và Instagram.

Chúng ta đều biết những tiện ích to lớn mà MXH mang lại đó là truyền tải và chia sẻ thông tin tích cực đến người dùng. MXH còn là công cụ đắc lực giúp cơ quan Đảng, Nhà nước làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần quan trọng phát triển đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý MXH, nhất là các MXH xuyên biên giới còn bộc lộ nhiều điểm đáng lo ngại. Tình trạng lợi dụng MXH để công kích, bôi nhọ tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân còn diễn ra khá phổ biến. Các hành vi quảng cáo trá hình, sai sự thật, thông tin lệch chuẩn, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội còn nhiều.

Trong đó, đáng chú ý là tình trạng lợi dụng MXH, sự nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết của bộ phận không nhỏ người dân, nhất là giới trẻ, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội đã phát tán nhiều thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta, nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây bất ổn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trước thực tế trên, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, quy định chỉ đạo để cán bộ, đảng viên hiểu về MXH, thông thái khi tham gia MXH và có trách nhiệm lan tỏa thông tin tích cực, bài trừ thông tin xấu độc. Từ đó tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nhất là cộng đồng mạng trẻ tuổi biết sàng lọc thông tin, chỉ bình luận, chia sẻ những thông tin hữu ích, tạo môi trường thông tin lành mạnh, pha loãng các thông tin trái chiều, chống phá của các thế lực thù địch.

Với Thái Nguyên (đứng thứ 6 trong cả nước về số lượng người dùng MXH), các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt triển khai các phương án, cách làm nhằm xây dựng cộng đồng MXH văn minh, nói không với thông tin xấu, độc.

Điển hình nhất phải kể đến là TP. Thái Nguyên. Địa phương này đang đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia, theo dõi các trang, nhóm chính thống của thành phố. Đề nghị mọi người thường xuyên tương tác, bày tỏ cảm xúc, bình luận tích cực, chia sẻ những tin, bài viết trên các trang chính thống; đồng thời liên kết mời bạn bè, đồng nghiệp, người thân... tham gia truy cập, theo dõi, tương tác, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gương người tốt, việc tốt... tạo sức lan tỏa rộng khắp để cổ vũ lối sống tích cực, nhân văn; phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên trao đổi, chủ động liên kết, cung cấp văn bản, thông tin tới các trang nhóm chính thống để kịp thời chia sẻ, đăng tải nội dung mới đảm bảo an toàn, đúng quy định; tạo sự phong phú, hấp dẫn, thiết thực, thu hút ngày càng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức truy cập, theo dõi, tương tác…