Chữ “dũng” của người viết sử

09:20, 23/01/2014

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các cơ quan liên quan tập hợp và huy động các nhà sử học trong cả nước tham gia viết sử. Đây là bộ sử chính thống của đất nước và của dân tộc, trong đó, tổng hợp những kết quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử.

Thủ tướng cũng quyết định bổ sung kiến thức về Biển Đông và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam vào sách giáo khoa phổ thông.

 

 

Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí nhớ của dân tộc. Lịch sử là sự thật, không đúng sự thật không thể gọi là lịch sử.

 

Người học sử không ai không biết ba anh em sử gia thời Xuân Thu. Họ chép sử ghi lại việc Thôi Trữ giết vua nước Tề là Trang Công để thâu tóm quyền lực. Dù bị Thôi Trữ chém đầu, nhưng cả ba người đều lần lượt ghi: "Thôi Trữ giết vua”. Đến người thứ tư của dòng họ này cũng không sợ chết mà viết y như vậy, đồng thời nói với Thôi Trữ như một tuyên ngôn của người viết sử: “Ông có thể giết chết người viết sử, nhưng không thể giết chết được sự thật”. Cái dũng của người viết sử là như vậy đó. Trách nhiệm của người viết sử quả là nặng nề, nhưng khó hơn lại là một chữ “Dũng”.

 

Để lịch sử của Việt Nam hoàn toàn chính xác như sự thật vốn có của nó, Thủ tướng đã trân trọng và tin cậy giao cho các cơ quan và cá nhân như đã nêu trên thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo đưa kiến thức Biển Đông, chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam vào sách giáo khoa phổ thông. Việc này không thể để chậm trễ, bởi vì lâu nay, sự thiếu sót của sách giáo khoa về Hoàng Sa và Trường Sa, chính là khoảng trống về giáo dục lòng yêu nước.

 

Chính sử Đại Việt có một lời dặn dò quyết liệt vô cùng về chủ quyền: “Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn... Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau". Đó là lời của Hoàng đế Trần Nhân Tông (1279 - 1293).

 

Xin được nhắc lại thật cẩn thận hai chữ “Hoàng đế” ở trên để sánh ngang bằng với các hoàng đế của muôn phương.

 

Như Nguyễn Trãi viết trong "Đại cáo bình Ngô”: “Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương” (cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương - Ngô Tất Tố dịch). Chủ của Đại Việt là "Đế" chứ không phải "Vương". Trước đó, Lý Thường Kiệt  từng khẳng định “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”- cũng là "Đế" chứ không phải "Vương". Người viết sử phải trung thực về chữ "Đế" này. Muốn làm được điều đó, càng cần sự tài trí và chữ "dũng" của người viết sử.