Xuân Giáp Ngọ 1954 và Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

14:10, 25/01/2014

Mùa xuân 60 năm ấy, quân dân cả nước tạo nên một cột mốc lịch sử vang dội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Điều đặc biệt, mọi công tác chuẩn bị và những quyết định quan trọng nhất của Bác Hồ và Bộ Chính trị cho chiến dịch Điện Biên Phủ đều xuất phát từ chiến khu ATK Định Hóa.

Một lòng hướng về tiền tuyến

 

 

Trong bài thơ chúc Tết Xuân Giáp Ngọ 1954 gửi quân dân cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,

Cải cách ruộng đất là công việc rất to.

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn.

Quân và dân ta nhất định kết đoàn,

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công,

Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông.

Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.

 

Bài thơ ngắn gọn, lời thơ mộc mạc, gần gũi, thân quen nhưng chứa đựng cả một chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn quyết chiến chiến lược. Đó là: Đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, chấm dứt cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc và thực hiện cải cách ruộng đất để người dân có ruộng, từng bước thoát khỏi nghèo nàn. Để đạt được chủ trương này, điều kiện tiên quyết chính là giành chiến thắng tại cứ điểm Điện Biên Phủ.

 

Thực tế, ngay từ cuối năm 1953, đầu 1954, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã thông qua phương án tác chiến tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (có bí danh là Trần Đình). Ngày 1-1-1954, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa), Bộ Chính trị đã họp Hội nghị để chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc. Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư và Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp (Tư lệnh), Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng), Lê Liêm (Chủ nhiệm Chính trị) và Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm Cung cấp).

 

Trong cuốn Biên niên sự kiện huyện Định Hóa (xuất bản năm 2014) có ghi: “Ngày 5-1-1954, từ Định Hoá, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra Mặt trận Điện Biên Phủ. Trước khi đi, Đại tướng lên Khuôn Tát chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi chia tay, Người nói: "Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau". Và căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh; không chắc thắng, không đánh”.

 

Trước đó, để chuẩn bị tốt nhất cho các chiến dịch, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng mô hình cứ điểm để diễn tập thực binh tại cánh đồng xã Đồng Thịnh. Ông Lê Nhâm, người chuyên viết lịch sử Đảng bộ các xã ở Định Hóa nhận định: “Đây là lần đầu tiên chúng ta diễn tập đánh công kiên, nhằm chuyển giai đoạn kháng chiến từ cầm cự, phòng ngự sang phản công. Một đơn vị bộ đội đặc biệt thuộc Đại đoàn quân tiên phong 308 được huy động diễn tập tiêu diệt lực lượng địch. Trong quá trình diễn tập, bộ đội ta được trang bị đủ các loại vũ khí hiện đại, thực hiện bắn pháo, nổ bộc phá để đánh chiếm công sự. Diễn biến xảy ra tại cuộc diễn tập ấy trở thành những bài học quý giá cho ta phản công quân địch, nhất là đánh cứ điểm Điện Biên Phủ sau này.

 

Ông Mông Đức Ngô, Trưởng Ban liên lạc Chiến sĩ Việt Bắc huyện Định Hóa, người lính liên lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới các quân binh chủng trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: “Sau Tết Nguyên đán, các đơn vị bộ đội chủ lực đang đóng quân ở ATK Định Hóa đã bắt đầu di chuyển lên Tây Bắc. Trong đó, lớn nhất phải kể đến Đại đoàn quân tiên phong 308 và một phần quân số của Trung đoàn 246. Quân dân Định Hóa cũng tích cực đóng góp sức người và vật chất cho chiến dịch. Tôi được biết, chỉ tính riêng xã Trung Hội đã ủng hộ hàng chục tấn thóc, 15 con trâu và hơn 1 tấn lợn hơi cho chiến trường. Xã còn thành lập một đội xe đạp thồ do ông Trần Văn Nhạ chỉ huy 120 dân công và 30 xe đạp xuất phát từ Định Hóa vận chuyển gạo, đạn và đồ dùng quân sự ra mặt trận…”.

 

Nơi mảnh đất chiến khu xưa

 

Sau tròn một chu kỳ thời gian của tự nhiên, những ngày gần Tết Giáp Ngọ 2014, tôi có dịp trở lại mảnh đất chiến khu ATK Định Hóa. 60 năm là quãng thời gian không ngắn để chứng kiến sự thay đổi của một vùng quê. Ở Đồng Thịnh – nơi thao trường diễn tập quân sự năm xưa nói riêng và Định Hóa nói chung, sự sung túc ấm no đang từng ngày hiện hữu.

 

Vẫn đây lán Tỉn Keo, nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 6-12-1953). Những bậc dốc lên khu di tích đã được phục dựng lại nguyên trạng bằng cây mây và tre. Lán nhỏ đơn sơ nằm trong quần thể các di tích trên đỉnh đèo De như vẫn đâu đây bóng hình của Bác và Đại tướng.

 

Tìm về xã Đồng Thịnh, đi trên con đường trải nhựa trong nắng nhẹ của xuân sớm, tôi cảm nhận sự thanh bình của vùng quê giàu truyền thống. Bước qua cây cầu treo, con suối Đồng Thịnh chảy róc rách, rồi chạy dài uốn lượn giữa cánh đồng Sìn bằng phẳng. Hình ảnh thu nhỏ của Điện Biên Phủ với sông Nậm Rốm, cánh đồng Mường Thanh, phía xa là những dãy núi nhỏ như đồi Him Lam đang thay da đổi thịt. Giáp Tết, bà con xã Đồng Thịnh đang tích cực xuống đồng làm đất, chuẩn bị gieo cấy cho kịp thời vụ. Đồng chí Ma Công Mạc, Thường Đảng ủy xã Đồng Thịnh thông tin những kết quả đáng phấn khởi: Năm vừa rồi, xã giảm được 7% hộ nghèo, hiện còn 15,7%. Là một trong những xã điểm thực hiện Chương trình nông thôn mới, đến nay, Đồng Thịnh đã có 11/19 tiêu chí đạt chuẩn. Để chuẩn bị cho vụ Xuân sắp tới, bà con trong xã đã cơ bản hoàn thiện khâu làm đất, dự kiến diện tích gieo cấy của xã vụ này đạt 135ha, trong đó hơn 30% là giống lúa lai.

 

Nhìn rộng ra cả huyện năm vừa qua, Định Hóa cũng đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Điểm nhấn phải kể đến là sản lượng lương thực đạt trên 50 nghìn tấn; việc thâm canh tăng năng suất trong nông nghiệp đã đưa giá trị sản phẩm/ha đất nông nghiệp đạt mức 69 triệu đồng/ha (tăng 6,2% so với kế hoạch năm); bình quân thu nhập trên đầu người đạt 17,1 triệu đồng/người/năm.. Đây là những tiền đề vững chắc để huyện thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015.

 

Tôi chợt nhớ đến lời tâm sự của ông Nông Văn Vinh, 86 tuổi, ở thôn Đèo Tọt, xã Đồng Thịnh mà tôi từng trao đổi cách đây không lâu: “Định Hóa có truyền thống, không chỉ trong chiến đấu mà cả trong lao động sản xuất. Chứng kiến làng quê mình đang từng ngày đổi mới, tôi biết, những thành quả cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã gây dựng sẽ được các thế hệ con cháu tiếp nối và phát huy thật tốt”.