Chiều 7-1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Phiên làm việc ngày 7-1 tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV. |
Sáng kiến lập pháp đặc biệt
Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) khẳng định, Nghị quyết số 30/2021/QH15 không chỉ là một sáng kiến lập pháp, mà còn là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm, hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ.
“Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu, thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với biến chủng Delta, đã gây nên những tác hại nghiêm trọng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khi số ca nhiễm tăng nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1.000-5.000 ca/ngày. Thuốc và phác đồ điều trị chưa có; vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ, nhân lực y tế quá tải... đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tổn thương rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kinh tế.
“Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ làm việc ngày đêm để kịp thời đưa vào nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV những nội dung quan trọng để Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cũng khẳng định, Nghị quyết số 30/2021/QH15 là chủ trương, chính sách hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Với việc ban hành kịp thời Nghị quyết và việc triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt, có hiệu quả các nội dung đề ra trong Nghị quyết, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, vấn đề chậm chi trả kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch và những khó khăn, bất cập trong công tác mua sắm thiết bị, vật tư y tế được các đại biểu Quốc hội nêu rõ. Các đại biểu cũng cho rằng nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị, hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo; tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng, chống các dịch bệnh...
Áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù
Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và dự phòng nguy cơ dịch chồng dịch diễn biến phức tạp, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị, Chính phủ xem xét, tạo cơ chế để các chuyên gia ngành y theo dõi, hợp tác với các chuyên gia quốc tế nghiên cứu hoàn chỉnh về hậu COVID-19 và các ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần hậu COVID-19, các bệnh liên quan đến hậu COVID-19. Qua đó, tạo cơ sở để Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ trong công tác khám, chữa bệnh và điều trị các bệnh về hậu COVID-19.
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) thảo luận. |
Đại biểu cũng đề nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương. Đồng thời, có sự phân cấp rõ ràng, không giới hạn người dân đến điều trị các bệnh về hậu COVID-19 theo chế độ bảo hiểm y tế; đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh và điều trị kịp thời các bệnh nền, bệnh mãn tính chuyển biến nhanh.
Liên quan đến việc thanh toán kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) băn khoăn về việc thanh toán chậm; cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân triển khai chậm…
Về vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong ngoại giao vắc-xin, nhờ đó, dịch bệnh sớm được kiểm soát. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tự sản xuất vắc-xin riêng. “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để sớm tổ chức hệ thống sản xuất vắc-xin một cách bài bản, quy củ, đúng cách để phục vụ đất nước trong những đợt dịch khác”, đại biểu nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để bổ sung thông tin, số liệu, phân tích thêm các vướng mắc, bất cập và nguyên nhân của những vướng mắc hiện nay cũng như các vấn đề tồn tại về chế độ, chính sách.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu. |
Về việc tổng kết và đúc rút những bài học kinh nghiệm, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm công tác phòng, chống dịch, từ đó đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới...
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên thảo luận đã có 8 ý kiến phát biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo giải trình để trình Quốc hội cho ý kiến biểu quyết, thông qua tại phiên bế mạc của Kỳ họp này...
* Trước đó, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV. Cụ thể, Quốc hội bổ sung việc xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 vào chương trình Kỳ họp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin