Kiểm soát tài sản, thu nhập: Tăng hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Nhị Hà 23:09, 23/02/2023

Triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về việc kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thái Nguyên là một trong những địa phương thực hiện sớm và đồng bộ. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Định Hóa tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên các trường hợp để xác minh tài sản, thu nhập. Ảnh: Công Sơn
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Định Hóa tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên các trường hợp để xác minh tài sản, thu nhập. Ảnh: Công Sơn.

Luật PCTN quy định rõ, có 8 cơ quan kiểm soát TSTN. Trong đó, thanh tra cấp tỉnh đảm nhận việc kiểm soát thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương.

Trong quá trình kê khai, thanh tra tỉnh có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về TSTN từ 300 triệu đồng trở lên so với TSTN đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh... 

Tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương triển khai sớm và tích cực việc kê khai TSTN. Theo đó, trong năm 2022, Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận 4.953 bản kê khai TSTN của 4.448 người có nghĩa vụ kê khai tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước thuộc quản lý của chính quyền địa phương; đồng thời bàn giao 1.718 bản kê khai về ủy ban kiểm tra các cấp để kiểm soát TSTN theo Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Cũng trong năm 2022, đã có 78 đơn vị được kiểm tra quy định về kê khai, công khai bản kê khai TSTN; qua kiểm tra chưa phát hiện vi phạm về thực hiện các quy định về công khai TSTN.

Xác định, kê khai TSTN nhưng không xác minh thì không có ý nghĩa trong công tác PCTN, ngày 17/01/2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 20-KH/UBKTTU về việc xác minh TSTN năm 2022.

Theo đó, đối tượng xác minh là những người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và người có nghĩa vụ kê khai TSTN công tác tại các cơ quan Đảng của tỉnh. Số lượng để lựa chọn xác minh đảm bảo tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai TSTN tại mỗi cơ quan, đơn vị được kiểm tra; đối với đơn vị phải xác định ít nhất một trường hợp là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu theo quy định.

Tiêu chí lựa chọn xác minh cũng tập trung vào các ngành, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc có những vụ việc nổi cộm gây bức xúc, dư luận xã hội quan tâm như: Đầu tư xây dựng, đấu thầu, tài nguyên khoáng sản, tài chính ngân sách, công tác tổ chức cán bộ, cấp phép, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19.

Thực hiện kế hoạch nói trên, huyện Định Hóa tiến hành bốc thăm lựa chọn đối tượng xác minh TSTN năm 2022 đối với những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý và người có nghĩa vụ kê khai tài sản tại các cơ quan Đảng cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Theo đó, huyện tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên 15/73 đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát để tiến hành xác minh TSTN. Hình thức thực hiện lần lượt theo 5 nhóm đối tượng, gồm: Các chi, đảng ủy cơ quan trực thuộc Huyện ủy; các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Huyện ủy, Trung tâm Chính trị, các ban của HĐND huyện, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện và 23 xã, thị trấn.

Trong số 15 đơn vị này, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Định Hóa tiếp tục bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên mỗi đơn vị 1 người trong số đối tượng phải kê khai TSTN để xác minh.

Đồng chí Chu Thị Thúy Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Định Hóa, thông tin: “Sau khi lựa chọn ra danh sách này, chúng tôi ban hành quyết định thành lập tổ xác minh TSTN, yêu cầu người được xác minh giải trình TSTN của mình; thời gian thực hiện trong 45 ngày. Khi có kết quả sẽ ra văn bản thông báo và công khai theo đúng quy định”.

Theo lộ trình, trong tháng 2 này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ tiến hành bốc thăm lựa chọn 16/83 cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (tương đương tỷ lệ khoảng 20%); từ đó tiếp tục bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai của mỗi đơn vị để xác minh TSTN.

Có thể khẳng định, việc xác minh TSTN là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục theo quy định của Luật PCTN, nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng nội dung kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai.

Việc tỉnh Thái Nguyên triển khai sớm và đồng bộ nhiều giải pháp về kiểm soát TSTN sẽ giúp kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, khuyết điểm nếu có, góp phần tăng hiệu quả trong công tác PCTN.