Chú trọng giám sát vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa chuyển biến

Thu Hoài (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) 19:21, 26/05/2023

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 26-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên làm việc tại Hội trường. Ảnh: Doãn Tấn
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên làm việc tại Hội trường. Ảnh: Doãn Tấn

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) đánh giá, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cho thấy sự chuẩn bị công phu, đã tổng hợp tư liệu, số liệu, xâu chuỗi nhiều kết quả, sự kiện và vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4 của các ĐBQH đã có 2.593 kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đến nay có 2.588 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri (đạt 99,8%). 

Đối với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổng hợp và chuyển 22 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Kỳ họp thứ 4. Đến nay, 22/22 ý kiến, kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải quyết. Tính chung từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, 90/90 ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới các kỳ họp của Quốc hội đều đã được trả lời, nhiều kiến nghị được giải quyết dứt điểm, được cử tri đồng thuận, đánh giá cao.

Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 26-5.
Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 26-5.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy có một số kiến nghị tuy đã được các bộ, ngành tiếp thu và triển khai nhiều biện pháp giải quyết, nhưng chuyển biến còn chậm, nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị; một số kiến nghị chưa được kịp thời giải quyết, do công tác phối hợp giữa các bộ, ngành hoặc giữa bộ, ngành với địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ… Cụ thể như các kiến nghị: Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, cải tạo các tuyến quốc lộ (như Quốc lộ 17, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3C); đề nghị Ủy ban Dân tộc bổ sung dân tộc San Chí, Sán Chỉ vào danh mục các dân tộc Việt Nam…

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, ĐBQH Lý Văn Huấn đề nghị trong báo cáo cần làm rõ về vấn đề thông qua giám sát thì lĩnh vực nào đã có sự chuyển biến tích cực; cơ quan, đơn vị nào có tiến bộ rõ rệt… Qua đó phản ánh được hiệu quả hoạt động, vai trò của Quốc hội trong công tác dân nguyện. 

Đối với Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), ĐBQH Lý Văn Huấn đề nghị cần tiếp tục quan tâm, đôn đốc việc giải quyết, trả lời của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương đối với các kiến nghị của cử tri, nhất là những kiến nghị đã được tiếp thu, triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm; hoặc các kiến nghị đã có văn bản trả lời nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. 

Đồng thời, khi xây dựng kế hoạch, Ban Dân nguyện cần chú ý giám sát về nội dung trả lời và việc giải quyết các kiến nghị đối với những vụ việc nổi cộm, gây nhiều bức xúc; những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần, đã được trả lời nhưng không có sự chuyển biến. 

Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố để lựa chọn một số nội dung cử tri nhiều địa phương kiến nghị, hoặc đã kiến nghị nhiều lần và được giải quyết, trả lời nhưng cử tri chưa đồng tình, tiếp tục kiến nghị, để đưa vào báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân liên quan. Từ đó góp phần quan trọng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Quốc hội…