Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Ủy ban Dân tộc chỉ đạo tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là về cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng vốn thực hiện Chương trình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Sáng 7-6, phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực dân tộc thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; đồng thời là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.
Trong phiên chất vấn, có 62 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, có 35 đại biểu tham gia chất vấn, gồm 28 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 7 đại biểu tham gia tranh luận. Còn 27 đại biểu đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi chất vấn để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, nhìn chung phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã chuẩn bị tốt nội dung, nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đồng thời, đề xuất phương hướng nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được trong công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, các chính sách dân tộc còn phân tán, dàn trải, hiệu quả còn chưa cao. Việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn rất chậm. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm hoặc thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa có định mức cụ thể; việc phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được giải quyết dứt điểm; việc huy động các nguồn lực cho chương trình và sự phân bổ các nguồn lực còn khó khăn…
Tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030.
Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định, hướng dẫn còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là về cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng vốn thực hiện Chương trình.
Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù, ưu tiên nhóm đối tượng nghèo là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Tập trung nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các dự án liên kết vùng có tác động lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội để rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa từ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện khó khăn tới các thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021-2025; lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi; trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.
Trước mắt, khẩn trương chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 2 (tháng 8/2021) về phân định miền núi, vùng cao, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 9/2023.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất; trong đó, cần chủ động nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh nguồn vốn phù hợp với điều kiện các địa phương; tính toán cơ chế hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất sát thực tiễn...
Bên cạnh đó, hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự.
Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng; điều chỉnh nâng mức hỗ trợ phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ đồng bào tạo việc làm, tăng thu nhập từ rừng, gắn bó hơn với rừng; bố trí đủ nguồn lực để tổ chức bảo vệ rừng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin