Lấy phiếu tín nhiệm

Nguyễn San 16:39, 01/06/2023

Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa ban hành Kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh. Đây là nội dung quan trọng nhằm đánh giá đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách và mức độ uy tín của cán bộ trong diện lấy phiếu tín nhiệm. Thông qua đây, một lần nữa giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu rèn luyện bản thân, đồng thời cũng là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, chính xác.

Theo Kế hoạch, trong năm 2023 tỉnh sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND các cấp bầu, các chức danh lãnh đạo cấp ủy và các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác.

Cụ thể, ở cấp tỉnh sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, chức vụ gồm: Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng các ban của HĐND tỉnh, các thành viên khác của UBND tỉnh; trưởng, phó MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; giám đốc, phó giám đốc sở; trưởng ban, phó trưởng ban và tương đương thuộc tỉnh.

Ở cấp huyện sẽ lấy phiếu đối với Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, trưởng các ban của HĐND, các thành viên khác của UBND cấp huyện. Cấp xã sẽ thực hiện theo các quy định của Quốc hội và Trung ương.

Kế hoạch cũng nêu rõ, sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu; cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở 2 nơi cán bộ công tác và sinh hoạt.

Lần này tỉnh tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ trên tinh thần đánh giá lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ nhân dân, liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan.

Ngoài ra, phiếu tín nhiệm đánh giá ý thức tổ chức, kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

Đặc biệt là sẽ xem xét kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương… và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao tính từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến thời điểm lấy phiếu.

Độ tín nhiệm của người được lấy phiếu chia thành 3 mức: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin trung thực, chính xác về các nội dung lấy phiếu tín nhiệm theo quy định tới cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ trước 20 ngày.

Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, kết quả sẽ được công khai tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Riêng đối với các chức danh do HĐND các cấp bầu, phê chuẩn thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết.

Phiếu tín nhiệm được lấy lần này là kênh thông tin cực kỳ quan trọng để tỉnh Thái Nguyên đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ chính sách.

Theo quy định của tỉnh, những trường hợp có trên 50%, nhưng dưới 2/3 số phiếu “tín nhiệm thấp” thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ sẽ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu “tín nhiệm thấp” trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ cán bộ đang đảm nhiệm và bố trí công việc khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm…