Tăng cường nghiên cứu, biên soạn lịch sử các đảng bộ

15:07, 01/10/2020

Đại Từ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, những năm qua, huyện đã tích cực Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, qua đó, các thế hệ con em trong huyện thêm tự hào về truyền thống cách mạng, tạo động lực để các tầng lớp nhân dân phấn đấu xây dựng huyện ngày càng phát triển.

Xác định, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương có vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương đến các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Với vai trò là Cơ quan Thường trực, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Từ đã tham mưu cho Ban Thường vụ chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể huyện đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử trên địa bàn, đồng thời đôn đốc, hỗ trợ về nghiệp vụ, thẩm định nội dung lịch sử...

Quá trình nghiên cứu, biên soạn cuốn lịch sử, Ban Chỉ đạo biên soạn và tổ sưu tầm tư liệu từ huyện đến cơ sở đã tích cực tìm kiếm, khai thác tư liệu, cung cấp các chứng cứ, tư liệu lịch sử, gặp gỡ các nhân vật lịch sử, thẩm tra, xác minh những thông tin được cung cấp đảm bảo đúng với diễn biến của lịch sử, tạo sự thống nhất về thời gian và sự kiện diễn ra. Cùng với đó, các xã, thị trấn đã thành lập ban vận động ủng hộ kinh phí, huy động từ nguồn xã hội hóa để phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản. Tính đến nay, tổng số kinh phí sử dụng cho nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng là trên 5,5 tỷ đồng, trong đó các địa phương huy động nguồn xã hội hóa là trên 1,5 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc chia sẻ: Để xuất bản được cuốn Lịch sử Đảng bộ, thị trấn đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã, các nhân chứng lịch sử trong việc sưu tầm tư liệu lịch sử, thẩm tra, xác minh để làm rõ những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, bảo đảm đúng với thực tế diễn biến tiến trình lịch sử, thống nhất các sự kiện lịch sử về mặt thời gian, gắn với các sự kiện lịch sử chung của huyện. Năm 2005, xã đã hoàn thành và xuất bản 200 cuốn, từ đó đến nay, xã đã sử dụng cuốn lịch sử này để giáo dục truyền thống của Đảng bộ xã cho cán bộ, nhân dân địa phương, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Hữu Quyết, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn cho biết: Ngoài tích cực sưu tầm, xã đã chủ động mời các cơ quan chuyên môn như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đơn vị tư vấn tham gia góp ý vào bản thảo lịch sử đảng bộ trước khi xuất bản, đồng thời tổ chức hội nghị để xin ý kiến đóng góp của các đồng chí trong ban sưu tầm tư liệu lịch sử của địa phương, các đồng chí cán bộ chủ chốt, đảng viên lão thành trong Đảng bộ. Qua đó giúp cuốn lịch sử ở địa phương khi xuất bản đảm bảo chất lượng, hạn chế sai sót, nhầm lẫn trong quá trình biên soạn, xuất bản.

Các đảng bộ cơ sở đều thực hiện đúng các bước quy trình biên soạn, xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, tổ sưu tầm tư liệu, tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo lịch sử đảng bộ ngành, địa phương mình trước khi xuất bản. Do vậy, các cuốn lịch sử đảng ở các địa phương khi xuất bản đảm bảo chất lượng, hạn chế sai sót, nhầm lẫn về mặt sự kiện, thời gian, nhân vật...

Đến nay, đã có 28/30 xã, thị trấn xuất bản được cuốn lịch sử đảng bộ. Bên cạnh đó, Đảng bộ Quân sự huyện đã xuất bản được cuốn Lịch sử kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (giai đoạn 1945-2016), Huyện đoàn đã xuất bản cuốn “Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên huyện Đại Từ giai đoạn 1942-2010”. Ngoài ra, Công an huyện và Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã xuất bản được kỷ yếu của ngành.

Để hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, Đảng bộ huyện có cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng cho mỗi địa phương, đơn vị thực hiện, đối với đơn vị tái bản là 20 triệu đồng,

Riêng đối với cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện, do trước đây, huyện đã xuất bản 2 tập: Tập 1: Giai đoạn 1930-1945, tập 2: Giai đoạn 1955-1995, nên huyện đã chỉnh lý, bổ sung từ 2 tập này, đồng thời nghiên cứu, biên soạn tiếp giai đoạn 1995-2015 để tích hợp và xuất bản thành 1 cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1936-2015.

Hiện nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo 2 đảng bộ xã còn lại là Khôi Kỳ và Tân Linh hoàn thiện các bước biên soạn, thẩm định và làm hồ sơ gửi về tỉnh thẩm định theo quy định để xuất bản lịch sử đảng bộ xã. Đồng thời, khuyến khích các ngành tiếp tục nghiên cứu, thu thập tư liệu để biên soạn lịch sử ngành mình. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ về tiến trình lịch sử diễn ra ở mỗi địa phương, mỗi ngành, có thêm nguồn tư liệu về lịch sử, làm căn cứ cho công tác giáo dục, tuyên truyền, góp phần củng cố tình yêu quê hương đất nước, tích cực lao động, sản xuất. Hiện nay, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện biên soạn đề cương lịch sử Đảng bộ huyện để đưa vào giảng dạy tại các nhà trường trên địa bàn.