Hồ Núi Cốc: “Hạ Long trên cạn”

09:52, 25/01/2019

Với điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá, lịch sử có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nên Thái Nguyên được Chính phủ  xác định là một trong những địa phương cần phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này. Ngoài các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử đã được phê duyệt, năm 2018, Chính phủ  đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vùng du lịch trọng điểm quốc gia Hồ Núi Cốc. Đây là điều kiện căn bản để vùng “thủy bạc” hồ Núi Cốc với 89 hòn đảo lớn nhỏ sẽ là “Hạ Long trên cạn” với hạ tầng hiện đại bậc nhất của quốc gia...

Hồ Núi Cốc có diện tích 2.500ha, là nơi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phục vụ sinh hoạt của người dân T.P Thái Nguyên và các vùng lân cận. Khắp trên mặt hồ theo 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc đều có các đảo đất được bao phủ bởi thảm thực vật đa tầng tán có khả năng tái sinh thành những khu rừng giàu có về chủng loại. Xa hơn một chút là cung Tam Đảo kéo dài trên 20km từ tỉnh bạn Tuyên Quang đến đất Vĩnh Phúc đã tạo cho hồ Núi Cốc nguồn sinh thủy trong sạch và khí hậu mát mẻ hiếm có. Do vậy, hồ Núi Cốc đã được Chính phủ xác định là 1 trong 48 khu vực có tiềm năng phát triển du lịch bậc nhất quốc gia.

Du khách đi xuồng máy tham quan hồ Núi Cốc.

Người dân Thái Nguyên ai cũng tự hào về hồ Núi Cốc, nhưng khám phá nơi “thủy bạc” này để hiểu, thấy hết tiềm năng dưới nước, trên cạn, sự khác biệt với những điểm du lịch khác thì không phải ai cũng có cơ hội. Người thành thạo việc đi lại trên hồ Núi Cốc bằng phương tiện đường thủy là anh Nguyễn Đình Thành ở xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên). Người đàn ông này giỏi chèo lái thuyền để đánh bắt cá từ khi còn là cậu học sinh trung học cơ sở, rồi tham gia các khóa đào tạo lái tàu, xuồng có mã lực lớn đã bám trụ mưu sinh gần nửa đời người ở hồ nên biết rõ chỗ nào là dòng chảy ngầm, những loài thủy sinh hiện có và cả những nơi mà “thủy quái” có trọng lượng lớn đến vài chục ký ẩn khuất. Anh cũng thông thạo những ngôi đình ngập sâu dưới nước trên 30m gần 50 năm nay đã trở thành sự huyền bí mà chẳng thợ lặn nào dám xuống tới nơi. Một buổi chiều đông tiết trời không quá lạnh, nhận lời mời của anh Thành chúng lên xuống máy khám phá các đảo trên hồ. 15 phút lái xe từ trung tâm T.P Thái Nguyên qua vùng chè Tân Cương, chúng tôi đến đập chính của hồ Núi Cốc (xóm Phúc Thuần, xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên). Từ đây, anh Thành tự tin điều khiển chiếc xuồng máy 60 mã lực sản xuất từ Nhật lướt nhanh trên mặt nước khiến phía sau xuồng sóng rẽ về hai phía như người phụ nữ kiêu sa nhẹ vén mái tóc dài tạo dáng trước thiên nhiên thơ mộng.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là đảo Khỉ mà trên bản đồ vệ tinh định vị thuộc vùng giáp ranh giữa xã Vạn Thọ (Đại Từ), xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) và xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên). Mong muốn chứng kiến những chú khỉ tự nhiên thoăn thoắt chạy nhảy trên những cành cây khi thấy người lạ của chúng tôi bị “vỡ mộng” vì chẳng tìm thấy bóng dáng linh vật tiến hóa ra con người đâu cả. Anh Thành cười hài hước nói mấy chục năm trước rừng già còn nhiều, hoa trái lắm khỉ mới sinh tồn được còn giờ nạn săn bắn, triệt hạ cây cối nên khỉ  trên đảo chỉ còn là huyền thoại thôi. Đổi lại, cảnh sắc đảo Khỉ thật đẹp vì nhiều moong đất nhỏ nhô ra xa mép nước nên hòn đảo như một con sao biển khổng lồ mầu xanh lục. Men theo mép nước các loài hoa dại bung nở, những chú chim nhỏ đang kiếm ăn thấy động giật mình bay vút lên cành cây. Rời đảo Khỉ, anh Thành tiếp tục đưa chúng tôi tới đảo Rắn. Đây là hòn đảo nhỏ nhưng độ dốc cao, theo lời kể của người dân bản địa khi chưa đắp đập dâng nước sông để thành hồ Núi Cốc, dòng sông Công chảy đến đảo Rắn nước bị chắn lại thành vực nước sâu, không chảy xiết. Có thể vì lý do này mà sau mỗi trận lũ lớn nhiều loài rắn bị cuốn trôi theo các thân cây từ thượng nguồn đến đây đã tìm được chỗ trú ngụ để “lập làng” sinh sôi. Chẳng biết trên đảo còn có rắn nữa hay không nhưng nghe vậy, chúng tôi không dám lên đảo chỉ đi xuồng máy xung quanh một vòng rồi chuyển sang đảo khác.

Mỗi hòn đảo trên mặt hồ Núi Cốc đều có một cảnh sắc riêng và nhưng đều rất đẹp, thích hợp xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với tự nhiên để  phát triển du lịch sinh thái. Trong một lần khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tại vùng du lịch trọng điểm quốc gia hồ Núi Cốc do một nhà đầu tư mời, ông Young Il Lee, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đông Nam Á nhận định đây là hồ nước nhân tạo đẹp bậc nhất khu vực. Vẫn theo chuyên gia này, vùng thượng nguồn hồ Núi Cốc có cung Tam Đảo che chắn, bao quanh hồ dân cư còn thưa nên cảnh quan, môi trường rất tốt. Còn kiến trúc sư Noirihiko Dan của Nhật Bản cho rằng: Vùng du lịch trọng điểm quốc gia hồ Núi Cốc được Chính phủ Việt Nam quy hoạch rất chính xác về vị trí địa lý và tiềm năng vì gần thủ đô Hà Nội; không xa sân bay quốc tế Nội Bài; đường bộ thuận lợi và nằm ở trung tâm giữa vùng kinh tế Tây Bắc, Đông Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng nên khi đầu tư xứng tầm sẽ thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo hai chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tại hồ Núi Cốc còn yếu kém, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, hệ thống giao thông bao quan hồ Núi Cốc, giao thông kết nối với các điểm du lịch tại cung Tam Đảo và các đô thị của tỉnh chưa đồng bộ. Về khai thác các công năng của hồ Núi Cốc cũng đang bị chồng chéo khiến điều kiện phục vụ du lịch chịu sự kiềm chế, khó phát huy tối đa về giá trị tương quan giữa mặt nước và cảnh quan; giá trị văn hóa, lịch sử với bảo tồn tự nhiên và phát triển đô thị… Đây là những khó khăn khiến khu du lịch hồ Núi Cốc trải qua nhiều thập kỷ phát triển nhưng vẫn manh mún, không tạo được dấu ấn để thu hút du khách, tạo thu ngân sách, giải quyết việc làm tương xứng với tiềm năng.