12% là tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng và huy động nguồn vốn được ngành Ngân hàng tỉnh đề ra trong năm 2022. Cùng với đó, nợ xấu phải được kiểm soát ở mức dưới 2% trên tổng dư nợ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, khó lường và “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa thực sự bình phục thì đây được xem là những chỉ tiêu không dễ thực hiện.
Theo định hướng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2022, mức tăng trưởng toàn ngành đưa ra là 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế. Đối với Thái Nguyên, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, chỉ tiêu được đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là 12%/năm (có điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN). Như vậy, với dư nợ tín dụng cuối năm 2021 ngành Ngân hàng tỉnh đạt được - 71.497 tỷ đồng thì năm 2022, toàn ngành sẽ cần tăng thêm khoảng 8.600 tỷ đồng. Còn huy động vốn cần tăng thêm khoảng 10.200 tỷ đồng (đạt mức trên 95.000 đồng); tỷ lệ nợ xấu dưới 2% trên tổng dư nợ.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường thì việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được đặt ra trong năm nay không hề đơn giản, nhất là việc kiểm soát nợ xấu. Nguyên nhân là do nhiều khoản nợ đang được hệ thống ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì thế, một trong những ưu tiên hàng đầu tiếp tục được ngành Ngân hàng Thái Nguyên triển khai thực hiện trong năm nay đó là triển khai quyết liệt, thiết thực và hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, năm 2022 cũng được nhiều ngân hàng nhìn nhận sẽ có những điểm sáng nhất định khi Việt Nam đã cơ bản bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cho người từ đủ 12 tuổi trở lên và cả nước đang thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh; các hoạt động hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ được triển khai thực hiện tương đối tốt.
Doanh nghiệp kinh doanh các ngành hàng phù hợp với xu thế phát triển chung, có năng lực quản trị điều hành tốt sẽ là đối tượng được nhiều ngân hàng hướng tới trong năm nay.
Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Các chỉ tiêu kế hoạch của Chi nhánh năm nay được giao đều cao đáng kể so với cuối năm 2021. Trong đó, chỉ tiêu dư nợ tín dụng tăng 15,1%; huy động vốn tăng 10,5%. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của Chi nhánh đặt mục tiêu 403 tỷ đồng, tăng 31,7%. Để thực hiện được các chỉ tiêu kế hoạch này, BIDV Thái Nguyên đã đề ra nhiều giải pháp trên tất cả các mặt, từ quản trị điều hành, tài chính đến tổ chức nhân sự… Đáng chú ý, Chi nhánh sẽ tiếp tục làm tốt việc tìm kiếm khách hàng mới là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng FDI, khách hàng bán lẻ có tiềm lực phát triển và có tình hình tài chính lành mạnh, kinh doanh các ngành hàng phù hợp với xu thế phát triển chung, có năng lực quản trị điều hành tốt. Đồng thời, phát triển hơn nữa những khách hàng có ngành hàng kinh doanh phù hợp với lợi thế địa bàn, các khách hàng xuất nhập khẩu, sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng...
Còn bà Phạm Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Chi nhánh Thái Nguyên, cho hay: Một số chỉ tiêu chính của đơn vị năm nay cũng được giao khá cao nên ngay từ tháng 12-2021, Chi nhánh đã thực hiện giao kế hoạch chi tiết đến từng bộ phận phòng ban; phân công ban lãnh đạo Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các phòng được phụ trách; thực hiện đánh giá kết quả, khó khăn vướng mắc theo tuần, tháng để có giải pháp kịp thời.
Vietinbank Thái Nguyên cũng triển khai các chương trình thi đua ngay từ đầu năm, nhằm tạo động lực, khích lệ tinh thần làm việc các cán bộ, nhân viên, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của đơn vị. Cùng với đó, Chi nhánh tích cực triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất vay vốn cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động; tập trung huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư; đưa ra các giải pháp tiện ích để khách hàng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng điện tử; đẩy mạnh bán chéo các sản phẩm giao dịch online, theo hướng an toàn, hiệu quả.
Đối với các ngân hàng khác, bên cạnh những giải pháp có nét tương đồng với BIDV và Vietinbank Thái Nguyên, nhiều đơn vị cũng chú trọng thực hiện chuyển dịch tốt cơ cấu hoạt động, đặc biệt là cơ cấu tín dụng, cải thiện chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả sinh lời; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát tốt chất lượng tín dụng; triệt để xử lý nợ xấu, nợ ngoại bảng, tận thu lãi treo. Cùng với đó, đẩy mạnh và phát triển ngân hàng số, coi “chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại”, qua đó nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động, gia tăng sự thuận tiện cho khách hàng, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí cho ngân hàng.
Về phía NHNN Chi nhánh tỉnh, theo ông Bùi Văn Khoa, bên cạnh việc tổ chức triển khai tốt chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trên địa bàn, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, giám sát, phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, chú trọng nắm bắt tình hình cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đối với các tổ chức tín dụng có nợ xấu cao, Ngân hàng sẽ yêu cầu xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu và các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh, thực hiện phân loại nợ…