Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước hồ Núi Cốc, nhằm phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động xả thải trong sản xuất, sinh hoạt ở khu vực đầu nguồn chưa được xử lý triệt để nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngây ô nhiễm môi trường nguồn nước tại đây.
Hồ thủy lợi Núi Cốc nằm trên sông Công, chính thức hoàn thành năm 1982, diện tích 25km2, với mục tiêu ban đầu là cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất cho 12.000ha đất nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, công trình này còn trở thành nguồn cung cấp nước mặt phong phú để sản xuất nước sinh hoạt phục vụ người dân T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên, T.P Sông Công và Khu công nghiệp Yên Bình. Đồng thời được Phê duyệt xây dựng trở thành Khu du lịch Quốc gia nên bảo vệ môi trường nguồn nước hồ Núi Cốc có ý nghĩa rất quan trọng.
Có phụ lưu từ hàng chục dòng suối lớn nhỏ của 2 huyện Định Hóa và Đại Từ nên sông Công có lưu lượng dòng chảy khá lớn. Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa và hoạt động sản xuất ở khu vực thượng nguồn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đối với nguồn nước hồ Núi Cốc. Theo đánh giá của Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh về việc thực hiện quy định pháp luật quản lý an ninh nguồn nước và an toàn cấp nước phục vụ mục đích sinh hoạt vào tháng 5 vừa qua cho thấy, vẫn còn nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Đại Từ và Định Hóa chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường. Nước thải trong chăn nuôi của một số trang trại vẫn xả trực tiếp ra sông suối thuộc khu vực đầu nguồn hồ Núi Cốc. Ông Trần Bá L, nhà ở xóm Bậu 2, xã Văn Yên (Đại Từ) cho biết: Trong xóm có trạng trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Lý Văn Thiệp, với quy mô gần 2.000 con, nhưng vẫn để nước thải tràn qua bể lắng ra suối Chùa. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên cấp chính quyền nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Đặc biệt, tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), có dân số hàng chục nghìn người, nhưng nguồn nước thải sinh hoạt vẫn còn xả trực tiếp ra con suối. Có mặt tại khu vực chợ Đại Từ cũ, chúng tôi thấy nguồn nước đen kịt, bốc mùi hôi thối và có nhiều rác. Tất cả nước và rác của dòng suối này chảy ra sông Công. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá phổ biến, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không được xử lý triệt để, một số người dân không cho vào bể chứa bao bì mà vứt ra môi trường.
Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra một số các giải pháp để bảo vệ nguồn nước hồ Núi Cốc. Trong đó, có Quyết định số 3105/QĐ, ngày 27/9/2019 của UBND tỉnh về phê duyện phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cho các công trình đã cấp phép khai thác, sử dụng nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ( yrong đó có hồ Núi Cốc). Qua đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng và ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường nguồn nước. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, sau gần 40 năm được xây dựng, lòng hồ Núi Cốc bị bồi lắng hàng triệu khối cát, bùn rác từ thượng nguồn trôi về đã khiến chức năng trữ nước bị giảm đáng kể. Vì vậy, năm 2014, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản và Khoáng Đại Việt thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm trên diện tích gần 1.500ha. Qua đó giúp tăng khả năng trữ nước, cải thiện môi trường sinh thái của hồ Núi Cốc.
Cảnh quan thiên nhiên hồ Núi Cốc là lợi thế để phát triển ngành du lịch của tỉnh.
Ngoài ra, việc bảo vệ rừng có ý nghĩa quan trọng, giúp ngăn ngừa tình trạng suy kiệt nguồn nước vùng đầu nguồn. Đối với 2 huyện Đại Từ, Định Hóa có diện tích rừng rất lớn (hơn 60.000ha) nên cơ quan chức năng đã tăng cường các giải pháp tăng độ che phủ của rừng. Ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 26.000ha rừng, trong đó, rừng đặc dụng tự nhiên thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo có 12.000ha và 11.000ha rừng phòng hộ và 3.000ha rừng sản xuất, với độ che phủ rừng 73%. Phần lớn diện tích rừng đặc dụng là thượng nguồn của hồ Núi Cốc nên cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo để bảo vệ vững diện tích rừng tại đây.
Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang triển khai một số giải pháp bảo vệ môi trường nguồn nước hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi chưa triệt để và việc xả thải trực tiếp nước sinh hoạt ra suối thuộc vùng thượng nguồn đã ảnh hưởng trực tiếp, gây ô nhiêm môi trường. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ để các chủ trang trại chăn nuôi tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và sớm triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại huyện Đại Từ để đảm bảo chất lượng nguồn nước tại đây.