Thu nhập chính từ nghề phụ

Thu Huyền 08:11, 14/11/2022

Tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, lực lượng lao động khi nhàn rỗi… đó là cách mà nghề đan phên nứa ở xã Minh Tiến (Đại Từ) hình thành và tồn tại hàng chục năm qua. Vốn là nghề phụ, đến nay, không ít hộ dân ở xã đã coi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Vừa bắc xong nồi cơm trưa, ông Nguyễn Văn Luyện, 55 tuổi, lại tranh thủ đan nốt chiếc phên còn dang dở. Trong tiếng chẻ nứa, vót cật hòa vào nhau kêu lách tách, ông Luyện niềm nở tiếp chuyện chúng tôi: Tôi bắt đầu đan phên thành thạo từ năm 17 tuổi. Ông bà tôi đã đan phên, rồi đến bố mẹ tôi làm, cứ đời nọ nối tiếp đời kia. Cháu nội tôi năm nay học lớp 6 cũng đã đan rất giỏi. Trung bình mỗi tháng, tôi đan được khoảng 400 chiếc phên. Tùy kích thước, mỗi chiếc phên có giá từ 20.000-30.000 đồng. Ngoài số phên của gia đình, tôi còn thu mua của bà con trong vùng để cung cấp cho một cơ sở ở tỉnh Hà Nam, bình quân 5.000 chiếc phên/tháng.

Trung bình mỗi tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Luyện cung cấp cho thị trường trên 5.000 tấm phên nứa.
Trung bình mỗi tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Luyện cung cấp cho thị trường trên 5.000 tấm phên nứa.

Để có một chiếc phên hoàn chỉnh phải trải qua nhiều khâu: Chặt nứa làm nan, vót nan, phơi nan và đan. Các sản phẩm được đan thủ công 100%. Để cho ra sản phẩm chắc chắn, các nan phải được đan nong mốt thành hình chữ nhật như một tấm lưới phẳng, có nhiều ô vuông nhỏ cách đều nhau và được cố định bằng hai gọng vầu lớn.

Độ bền của mỗi chiếc phên phụ thuộc rất lớn từ khâu lựa chọn nguyên liệu, đó phải là những cây nứa thẳng, không quá già hoặc quá non, láng mịn. Gọng vầu được ngâm nước trong 20-30 ngày để dẻo dai, không mối mọt. Trung bình, mỗi cây nứa cho thu từ 15-18 sợi nan và để đan được một tấm phên cần 18 sợi dọc, 12 sợi ngang. Với các thợ đan thành thạo, trung bình 25-30 phút là sẽ làm xong một chiếc phên hoàn chỉnh.

Nhận thấy nhu cầu về cây nứa làm phên tăng cao, những năm gần đây, một số người dân trong vùng chuyên lên rừng tìm nứa về bán cho các hộ sản xuất, giá bình quân 2.000 đồng/cây.

Theo nhiều người dân ở xã Minh Tiến, nghề đan phên có từ những năm 60 của thể kỷ trước, khi bà con ở Hà Nam, Thái Bình lên đây xây dựng kinh tế mới. Từ đó, nghề đan phên lan rộng ra toàn xã, tập trung ở 6/10 xóm của xã, nhiều nhất ở các xóm Hòa Tiến 1, Hòa Tiến 2, Lưu Quáng 4, Lưu Quang 5… với trên 100 hộ sản xuất.

Phên nứa dùng để phơi bánh tráng, bánh ram, miến dong... Ngoài thị trường tiêu thụ tại Hà Nam, sản phẩm của bà con còn được khách hàng tại các tỉnh Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị... ưa chuộng.

Hiện, nghề đan phên đang đem lại thu nhập chính cho không ít hộ dân ở Minh Tiến, ở mức bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Đan phên không kén người làm, người lớn tuổi hay nhỏ tuổi cũng đều có thể đan được, chỉ cần kiên trì và một chút khéo léo.

Bà Nguyễn Thị Sáu, ở xóm Lưu Quang 4, chia sẻ: Trung bình mỗi ngày, tôi đan được10-15 chiếc phên, cho thu nhập khoảng 150.000-200.000 đồng/ngày. Với sức khỏe, tuổi tác của mình, tôi thấy như vậy là ổn. Vừa đan phên, tôi còn có thể trông cháu nội, bắc nồi cơm giúp đỡ các con.

Ông Hoàng Văn Tiệm, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến, cho biết: Nghề đan phên ở Minh Tiến đã có từ rất lâu và đến thời điểm này, người dân vẫn đang duy trì, phát triển. So với nhiều ngành nghề khác, nghề đan phên đem lại cho người dân thu nhập khá, không đòi hỏi cao về trình độ lại tận dụng được lao động nhàn rỗi tại địa phương, đặc biệt phù hợp với người hết tuổi lao động hoặc không có điều kiện làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp…