Thời gian qua, không ít doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), DN có vốn Nhà nước hoạt động kém hiệu quả do quản lý không linh hoạt, thiếu sáng tạo, đổi mới, hiệu suất kinh doanh thấp. Do vậy, chủ trương của Chính phủ là phải đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại DNNN nhằm giúp DN khắc phục khó khăn, hạn chế, phát triển bền vững.
Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên được tỉnh giữ nguyên phần vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025 (tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ đến năm 2025 là 42,27%). Ảnh T.L |
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, mới đây tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025, trong đó tập trung cơ cấu lại DNNN, DN có vốn Nhà nước và đẩy mạnh phát triển DN tư nhân.
Theo đó, chỉ có 2 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được tỉnh duy trì, không cơ cấu lại là Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Thái Nguyên và Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên.
Còn lại, các DNNN thuộc tỉnh đều phải thực hiện quy trình sắp xếp phù hợp. Có một DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ phải thực hiện cổ phần hóa, sáp nhập hoặc giải thể trong giai đoạn 2023-2025 là Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên. Tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa tại DN này theo quy định sẽ là trên 50% đến dưới 65%.
Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, tỉnh sẽ tiến hành thoái vốn (tỷ lệ vốn Nhà nước còn lại sau khi thoái bằng 0%) với 3 DN gồm: Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên; Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sông Công và Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên.
Trước đó, năm 2022, tỉnh cũng đã hoàn thành việc thoái vốn Nhà nước đối với Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên. Đồng thời, tỉnh cũng giữ nguyên phần vốn Nhà nước giai đoạn 2022-2025 đối với Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên (tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ đến năm 2025 là 42,27%).
Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình sắp xếp, cơ cấu lại DNNN của Thái Nguyên đảm bảo đúng quy định, đúng lộ trình đề ra. Tuy còn gặp một số khó khăn trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nhưng dự kiến đến năm 2025, các DNNN diện phải sắp xếp của tỉnh sẽ cơ bản “về đích”.
Hoạt động cơ cấu lại DNNN sẽ giúp các DN tìm ra phương cách tốt nhất cải thiện quá trình sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính, giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong các bộ phận, tăng cường hiệu quả, linh hoạt trong quản lý và điều hành DN.
Cùng với sắp xếp lại các DNNN, tỉnh chủ trương đẩy mạnh phát triển DN khu vực kinh tế tư nhân. Đây là lực lượng quan trọng đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hiện nay, Thái Nguyên có hơn 9.000 DN với tổng vốn đăng ký trên 133 nghìn tỷ đồng, trong đó, cộng đồng DN tư nhân đang chiếm số đông.
Để phát triển lực lượng này, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh triển khai Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và các chương trình hỗ trợ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
DN tư nhân thường là các đơn vị nhỏ nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc cần được tạo điều kiện, hỗ trợ. Chính vì thế, tỉnh tiếp tục tổ chức đối thoại với các DN này, công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cung cấp miễn phí các tài liệu, tờ rơi, cẩm nang hướng dẫn thực hiện quy trình đăng ký DN, đăng ký DN qua mạng và một số chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi số, công nghệ; hỗ trợ DN tham gia chuỗi giá trị, tập trung vào các ngành sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản, ngành có tiềm năng gắn với phát triển kinh tế của tỉnh…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin