Tôi theo con đường bê tông vào xóm Lam Sơn, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), tìm nhà chị Đinh Thị Tình. Lam Sơn được gọi là làng chè cổ vì nhiều gia đình ở đây còn giữ được vườn chè trăm tuổi. Ông Đội Năm là người mang cây chè về trồng ở đất Lam Sơn này từ năm 1925. Cuộc thi chè Đông Dương năm 1935 tại Hà Nội, trà Cánh Hạc của ông đã đoạt giải Nhất…
Chị Đinh Thị Tình (bên phải). |
Tôi biết chị Tình khi được một người bạn tặng cho mấy lạng chè đinh nhà chị. Bạn tôi nói: “Trà hảo hạng của làng chè cổ đấy”. Tôi háo hức mời vài người bạn đến thưởng thức. Trà ngon “hết nấc”, bạn tôi nức nở khen. Và hương vị ấy đã “kéo” tôi đến nơi này.
Trước mắt tôi là một cơ ngơi khang trang, căn nhà hai tầng đẹp có sân rộng thóc phơi vàng óng. Quanh nhà vườn chè mênh mông, gốc chè ngắn, to như bắp đùi, búp lên xanh mướt. Chị Tình chạc 60 tuổi đang hí húi bên mẻ chè, nở nụ cười tươi chào khách. Khi biết mục đích tôi đến thăm, chị niềm nở: - Cô cứ tham quan chụp ảnh thỏa thích, vườn chè này do bố tôi là ông Ngô Đắc Trường (sinh năm 1920) người gốc Hải Dương lên đất Thái Nguyên lập nghiệp trồng năm 1940. Cô nhìn thấy gốc chè to ngắn vì thân cây chè chìm sâu trong lòng đất, do vườn chè gieo bằng hạt. Hồi còn sống, bố tôi thường kể: “Thời đấy chỉ có chè gieo ươm bằng hạt, người dân thường gọi là chè ta, chưa có nhiều loại chè cành cấy ghép như bây giờ. Chè gieo hạt năng suất không bằng chè cành nhưng tuổi thọ lại cao, gắn bó với người làm chè từ đời ông cha, đến đời con cháu”.
Chị Tình pha trà mời tôi, cởi mở: - Tôi về làm dâu đất này đã hơn 40 năm, được kế thừa kinh nghiệm làm chè của các cụ.
Tôi đón chén trà đinh thơm nức từ tay chị hít hà:
- Thơm quá chị ạ! Nước lại đẹp nữa.
Tôi nhấp một ngụm nhỏ, vị trà chát dịu thoảng qua đầu lưỡi. Chút ngọt hậu từ từ dâng trong cuống họng. Chị Tình thả vào lòng bàn tay tôi nhúm trà đinh cho tôi ngắm những cánh trà đầy đủ “thanh- sắc - vị” như mấy ông bạn sành chè của tôi hay ca ngợi. Đây là loại chè đặc biệt của nhà tôi đấy, mỗi năm chỉ sao hái được khoảng 30kg chè khô. Chè đinh cô biết rồi, phải chọn những búp chưa ra lá, se tròn như chiếc đinh. Tôi tự tay sao loại trà này đấy.
Theo chị Tình thì chế biến trà đinh là quá trình tổng hợp về kỹ thuật, công đoạn nào cũng quan trọng. Chè đinh đòi hỏi máy vò chè riêng bởi răng của mâm vò phải khác so với các máy vò thông thường, tránh búp bị xoắn vón cục và khi gỡ không bị nát chè. Lấy hương là công đoạn chị vận dụng kinh nghiệm cả đời, tạo nên hương vị riêng biệt của từng gia đình trong làng chè Lam Sơn. Để được mẻ chè ưng ý, người làm chè đã gửi cả tâm tư, tình cảm vào sản phẩm của mình tới người thưởng thức trà.
- Ngoài trà đinh nhà mình còn làm các loại trà nào nữa?- Tôi hỏi
- Vườn chè của gia đình tôi đã nhiều tuổi nhưng do chăm tốt nên thu hoạch vẫn cao. Một năm với 1,6 mẫu chè chúng tôi thu hoạch được 1.500kg chè khô, bán nhiều loại giá theo mùa vụ. Làng chè Lam Sơn và gia đình tôi còn là bạn hàng liên kết với hợp tác xã Trà Hảo Đạt. Sau khi hạch toán trừ vật tư và công chăm sóc vẫn còn lợi nhuận từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Năm nào chè được giá thì thu khoảng 300 triệu đồng.
Chị Tình trải lòng: - Không dễ gì tôi có được như ngày hôm nay đâu. Tôi cũng trải qua nhiều đau khổ, khi hai con trai đang độ tuổi trưởng thành vì tai nạn mà đi xa. Tôi suy sụp tinh thần, trầm cảm một thời gian dài. Rồi vợ chồng tôi tĩnh tâm lại, níu vào cây chè mà đứng lên…
Thấy tôi cứ mê mẩn trước màu non xanh của vườn chè, chị Tình vui vẻ: - Có tí mưa xuống là mầm lên tua tủa. Là người chăm sóc chè mà nhiều lúc tôi cũng ngây ngất bởi sắc xanh và hương thơm tỏa ra dưới nắng sớm.
Chế biến chè tại gia đình chị Tình. |
- Chị nói được tiếp thu kinh nghiệm làm chè của ông cha truyền lại, đó là kinh nghiệm gì vậy?
Chị giảng giải: - Nhiều kinh nghiệm lắm. Tôi chỉ ví dụ riêng việc “nghe” sương muối rơi để “cứu” búp chè không bị khô đanh, không bị táp lá và trà không bị “mặn” mất độ béo ngậy thôi nhé. Hôm nào trời có sương muối là từ chín giờ đêm, tôi mở giàn phun tưới cho chè, nước từ lòng đất vừa làm cho cây ấm gốc vừa rửa trôi vị mặn không ngấm vào lá, cứ ba tiếng tôi tưới một lần. Một đêm như vậy, tôi dậy bốn lần tưới chè.
- Nhưng sao chị biết đêm đó có sương muối?
- Tiếp xúc với nắng gió bốn mùa, lưu tâm ta sẽ nhận thấy sự khác biệt thôi - Chị cười nói khá văn hoa.
Câu chuyện của chúng tôi đang sôi nổi thì anh Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cương, đến chơi. Sau cái bắt tay thật chặt, anh hồ hởi nói với tôi:
- Chị vào đúng địa chỉ đấy. Chị Tình vừa được Hội Nông dân xã bình chọn là hội viên xuất sắc, làm kinh tế giỏi năm 2022. Nhà chị được cấp phép sử dụng lô gô “Chè Thái Nguyên” từ năm 2016.
Để tôi có thêm thông tin về làng chè cổ, chị Tình dẫn tôi sang nhà ông Nguyễn Duy Tiên, Bí thư Chi bộ xóm Lam Sơn, ông bảo: - Xóm chúng tôi có 80 hộ dân, trước đây làm chè cả nhưng đến nay chỉ còn khoảng 40-45 gia đình làm chè. Đại đa số phá đi 1/3 hoặc 50% diện tích chè gieo hạt để trồng chè cành. Chè gieo hạt xóm tôi còn khoảng 20 hộ thôi. Gia đình tôi cũng chỉ giữ lại một sào chè gieo hạt. Cả xóm duy nhất còn nhà chị Tình giữ được nguyên diện tích chè gieo hạt từ đời ông cha.
Nghe Bí thư Chi bộ nhắc đến vườn chè của gia đình, chị Tình cười khiêm tốn, rồi nhỏ nhẹ khoe thời gian tới chị sẽ tỉa cành vườn chè cổ để nhân thêm cho hết ba mẫu đất ông cha để lại.
Đứng giữa vườn chè đang nở những bông hoa trắng muốt, điểm nhuỵ vàng e ấp trong nắng, tán lá tròn như những mâm trà thơm nức, tôi nghĩ về làng chè cổ, về tuổi xuân của chị Tình thấm đẫm mồ hôi trên mảnh đất Làm Sơn này. Chị đã gửi gắm tình yêu vào cây chè, “ăn - ngủ- thức” cùng chè, chăm sóc chúng như đứa con yêu trong vòng tay mẹ. Tôi thầm khâm phục người phụ nữ ở làng chè cổ Lam Sơn, người gieo mầm, ươm xuân từ đất, giữ làng chè cổ mãi non xanh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin