Một sự tình cờ thú vị, khi Tháng Ba này tôi có mặt ở Tây Nguyên. Vùng đất đỏ bazan đang mùa con ong đi lấy mật. Tháng Ba này, Tây Nguyên nhộn nhịp hơn, sôi động hơn bởi Lễ hội Cà phê lần thứ 8 được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột. Người Đắk Lắk gọi những ngày Lễ hội là Tết. Hôm tôi vào, mới là mùng 3 Tết.
Bảo tàng càphê thế giới. (Ảnh: Hào Nguyễn/Vietnam+) |
Chúng tôi ở khách sạn trung tâm thành phố Ban Ma Thuột. Từ khách sạn nhìn ra, tôi thấy Ngã Sáu, một địa điểm nổi tiếng gắn với Chiến dịch Tây Nguyên. Trận đánh tại Buôn Ma Thuột là một trong những trận đánh quan trọng tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). 48 năm trước, trong hai ngày 10 và 11/3/1975, tại Buôn Ma Thuột, đã nổ ra trận đánh mở màn có ý nghĩa quyết định của Chiến dịch Tây Nguyên.
Đứng giữa dòng người tấp nập, say sưa ngắm các công trình của đô thị hiện đại, tôi mường tượng khung cảnh giao tranh ác liệt ngày ấy: “Bằng cuộc tiến công hiệp đồng binh chủng của các đơn vị, ta nhanh chóng tiêu diệt sở Chỉ huy Sư đoàn 23 và sở Chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk của quân đội Sài Gòn, chiếm tất cả các vị trí trong thị xã, tiêu diệt và bắt làm tù binh toàn bộ quân địch. Ta nhanh chóng đập tan cuộc phản kích của Quân đoàn 2 địch hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột, diệt Trung đoàn 44 và 45 thuộc Sư đoàn 23khiến địch hoảng loạn, chúng rút bỏ Tây Nguyên theo Đường số 7 về đồng bằng. Cuộc truy kích của quân và dân ta trên Đường số 7 đã xóa sổ Quân khu 2 địch, tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn, giải phóng một địa bàn chiến lược rộng lớn. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc toàn thắng…” (Tạp chí điện tử Quốc phòng toàn dân).
Và để ghi nhớ trang sử hào hùng ấy, ngay sau khi đất nước thống nhất, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng tượng đài mang tên Chiến Thắng Buôn Ma Thuột ở “bùng binh” Ngã Sáu.
Nhìn từ xa, tượng đài có hình chiếc nỏ với mũi tên thanh thoát, kiêu hãnh vút lên trong nắng. Chiếc nỏ xa xưa là “linh vật” giữ đất, giữ làng của người Tây Nguyên. Trên chóp đầu mũi tên là bức tượng đồng Bà mẹ Việt Nam, nguyên mẫu từ Má Hai (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Hường) và 2 chiến sĩ Giải phóng quân. Cánh nỏ uốn vòng cung ôm trọn chiếc xe tăng (mô hình) số hiệu 980 - chiếc xe tăng dẫn đầu đoàn quân Giải phóng tiến vào giải phóng tỉnh lỵ Đắk Lắk năm 1975.
Biết tôi từ ngoài Bắc vào, người dân ở đây tự hào kể cho tôi nghe về Tượng đài. Khi mới xây dựng, tỉnh Đắk Lắk đã đặt chiếc xe tăng T34-85, số hiệu 945 - con số mang ý nghĩa tượng trưng cho thời điểm đất nước giành độc lập (tháng 9-1945). Tuy nhiên, năm 1997, sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia quân sự, chính quyền tỉnh đã quyết định xây dựng lại tượng đài và thay chiếc xe tăng T34-85 bằng chiếc T-54 (đắp bê tông), loại xe chủ công của trận đánh Buôn Ma Thuột năm 1975. Số hiệu 980 là xe của Anh hùng Lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng - nguyên Đại đội trưởng Đại đội xe tăng 9, Trung đoàn 273. Chiếc xe 980 đã dẫn đầu đội hình thọc sâu, bắn sập cổng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23, dẫn đầu đội hình đánh lên Ngã Sáu này.
Ấn tượng với Tượng đài Chiến Thắng hình chiếc nỏ, tôi tìm vào buôn AKo Dhong của người Ê Đê. 70 năm trước, chàng trai Ama Hrin tay cầm giáo, vai khoác nỏ từ Cao nguyên Madrak đi tìm miền đất mới. Dừng chân ở nơi này, chàng tìm ra nguồn nước, dựng nhà làm rẫy, trồng cà phê, nuôi súc vật, dần hình thành buôn làng sầm uất.
Con cháu của già làng Ama Hrin đến nay vẫn giữ được nhiều cổ vật cha ông để lại, vẫn giữ nét văn hóa truyền thống. Họ đánh chiêng đón khách, mời khách uống rượu cần, ăn cơm nướng với cà đắng. Đáng nhớ hơn, bên bếp lửa hồng, tôi được nghe nghệ nhân Ama Nhiên, 43 tuổi, kể Khan về cuộc đời chàng dũng sĩ giàu có M’Drong Dam đã chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo vệ người Ê Đê.
Kể Khan là một thể loại hát sử thi, trường ca truyền thống của người Tây Nguyên. Anh Ama Nhiên trò chuyện: Mỗi khi tôi kể Khan, các nhân vật hiện ra trước mắt tôi, đi đứng nói cười với tôi. Tôi chỉ mong giữ được Khan, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, thực hiện lời dặn trước khi mất của già làng Ama Hrin.
Không chỉ tự hào với chiếc nỏ oai vệ, người Đắk Lắk còn tự hào với chiếc chiêng. Trong mỗi ngôi nhà, chiếc chiêng luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Và chính vì thế, Bảo tàng Cà phê thế giới đã thiết kế những căn nhà trưng bày theo hình tiếng chiêng ngân.
Đến đây tôi mới cảm nhận được tầm vóc đỉnh cao của cà phê Buôn Ma Thuột. Cũng ở nơi đây, tôi hiểu hơn công sức của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên trên hành trình đưa thành phố Buôn Ma Thuột trở thành Thủ phủ Cà phê toàn cầu. Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hơn 10.000 vật dụng liên quan đến cà phê qua nhiều thời kỳ lịch sử và văn hoá trên thế giới, mà còn là không gian mở khiến người xem có thể nếm, ngửi, chạm để thăng hoa cảm xúc.
Dừng chân ở Đắk Lắk không lâu, nhưng tôi cứ nghĩ mãi về một vùng đất giàu có, về những con người quả cảm, nặng ân tình, sống gắn kết với quá khứ. Lịch sử hào hùng luôn được nhắc nhớ trên hành trình tiến về phía trước trên mảnh đất đẫm hương cà phê này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin