Tuy tham dự SEA Games 32 với nhiều khó khăn, nhưng Đoàn Thể thao Việt Nam vẫn gặt hái thành công ngoài mong đợi, lần đầu tiên trong lịch sử đứng đầu bảng tổng hợp thành tích đại hội, không phải với tư cách chủ nhà. Chia sẻ với phóng viên, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt khẳng định, "đây là một kỳ đại hội thành công về mọi mặt của Đoàn Thể thao Việt Nam".
Ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: Hoàng Minh/TTXVN |
Ông Đặng Hà Việt cho biết, Đoàn Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành 89-120 HCV, trong bối cảnh nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng tới thành tích thi đấu của các VĐV, như điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Campuchia, hay trình độ thể thao khu vực ngày càng phát triển, đặc biệt là nhiều nước trong khu vực có sự đầu tư rất lớn vì giá trị thương hiệu của SEA Games ngày càng được nâng lên.
Trong các cuộc thi đấu ở SEA Games, cũng có rất nhiều VĐV nhập tịch với mục tiêu hướng tới những thành tích cao hơn ở các kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) hay Thế vận hội (Olympic). Đó là những nhân tố bí ẩn. Ngoài ra, có rất nhiều môn thi đấu đối kháng mà trình độ các VĐV ngang nhau, vậy nên chỉ số dự báo có mức tối đa và tối thiểu.
Theo ông Đặng Hà Việt, thực tế tại các cuộc thi đấu cho thấy, cũng xuất hiện rất nhiều khó khăn, có những sai số và cũng có bất ngờ xảy ra, nhưng cuối cùng Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được thành tích rất ấn tượng, đặc biệt trong những ngày thi đấu cuối cùng tại SEA Games 32. Có được thành quả này là nhờ sự nỗ lực và thăng hoa của các VĐV trong các cuộc thi đấu, những lứa VĐV trẻ, tài năng và một chút may mắn trong thi đấu thể thao.
Khi được hỏi về các môn trong hệ thống thi đấu Olympic, ông Đặng Hà Việt cho rằng, việc đánh giá toàn diện các môn Olympic của thể thao Việt Nam ở kỳ đại hội này là không thực sự toàn diện, bởi có rất nhiều môn Olympic là thế mạnh của Việt Nam nhưng không thi đấu tại Campuchia như bắn súng, bắn cung, đua thuyền, rowing, canoeing, kayak. Trong khi đó, tất cả môn võ thuộc hệ thống Olympic như Judo, Karate, Taekwondo chỉ được đăng ký 70% số lượng nội dung thi đấu. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được trên 50% số lượng HCV ở các môn thể thao Olympic trên tổng số HCV mà toàn đoàn giành được.
Ngoài ra, đối với những môn ngoài Olympic là thế mạnh, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng thi đấu thành công, môn Vovinam của Việt Nam hiện đã được phát triển rất rộng trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành trên sân vận động Morodok Techo trong Lễ bế mạc SEA Games 32. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN |
Theo ông Đặng Hà Việt, thành công lớn nhất chính là ngôi vị số 1 trên bảng tổng sắp toàn đoàn, do các VĐV đã thi đấu bùng nổ và đem thành tích vượt trội so với đoàn đứng thứ hai là Thái Lan.
Thành công thứ 2 là những tấm HCV ở các nội dung rất khó, nhưng các VĐV Việt Nam đã vượt qua được nhiều đối thủ, ví dụ như VĐV Nguyễn Thị Oanh trong vòng 30 phút giành được 2 HCV.
Ông Việt nhấn mạnh, những thành tích này đã mang lại sức lan tỏa rất lớn, không chỉ thúc đẩy các thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam mà còn đối với toàn thể người hâm mộ, người dân Việt Nam, giúp họ ngày càng nỗ lực hơn, khát vọng cống hiến hơn để đóng góp tốt hơn cho Tổ quốc. Thành công kỳ này đã đánh giá rất tốt về phong trào thể thao Việt Nam, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với phong trào thể thao của người dân. Cụ thể, nhiều môn thể thao mới như cờ Ouk Chaktrang, Kun Bokator hay đua thuyền truyền thống của thể thao Việt Nam cũng đã thành công. Các VĐV của Việt Nam ở những môn thể thao khác, chuyên nghiệp và kể cả phong trào tham gia thi đấu và giành HCV. Điều đó cho thấy bề dày của thể thao Việt Nam phát triển không riêng gì thành tích cao, mà kể cả thể thao phong trào cũng rất mạnh.
Mặc dù vậy, ông Đặng Hà Việt cũng thẳng thắn thừa nhận, thể thao Việt Nam vẫn còn rất khó khăn nếu muốn vươn tới thành tích cao ở đấu trường châu Á và thế giới. Hiện, điều kiện và cơ sở vật chất để tập luyện của các VĐV Việt Nam còn rất thiếu thốn, đội ngũ hỗ trợ công tác đào tạo và huấn luyện vẫn còn rất hạn chế, tất cả phụ thuộc rất lớn vào HLV.
Ông Việt lấy ví dụ, 1 VĐV 18 tuổi chạy 100m và giành HCĐ với thành tích 11 giây 75 và mục tiêu đặt ra là làm sao để trong 2 năm sau đó, VĐV này chạy dưới 11 giây 2 để có cơ hội giành huy chương ở ASIAD. Để đạt được mục tiêu này, ngoài HLV giỏi, còn cần có đội ngũ phân tích và hỗ trợ để phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, điểm hạn chế của VĐV - như phần lớn các nước khác đang triển khai. Hiện tại, Việt Nam chưa có đội ngũ khoa học để hỗ trợ điều này. Thể thao Việt Nam mới chỉ đảm bảo được thành tích ở khu vực, còn đối với đấu trường châu lục và thế giới, vẫn cần có một chiến lược "dài hơi" và những sự hỗ trợ, đầu tư đặc biệt của Nhà nước, đầu tư trọng điểm cho VĐV trong bối cảnh không có nguồn tài trợ.
Theo ông Đặng Hà Việt, trong các mục tiêu cho kỳ ASIAD sắp tới, thể thao Việt Nam tập trung vào các môn bắn cung, bắn súng, đua thuyền, cử tạ cũng như là một số bộ môn võ thuật và cầu mây.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin