Quan tâm giải quyết việc làm cho người khuyết tật

18:16, 17/04/2015

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 23.000 người khuyết tật (NKT), trong đó, ước tính có khoảng 50-60% NKT đang trong độ tuổi lao động.

Giải quyết việc làm cho NKT đã và đang là vấn đề cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội. Anh Trần Thành Trung ở tổ 8, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vì bị tật ở chân nên tôi đã chủ động chọn ngành học phù hợp với khả năng lao động của mình. Tháng 6-2013, tôi tốt nghiệp khoa Quản trị văn phòng - Lưu trữ học, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên với kết quả học tập xếp loại khá. Từ đó đến nay, tôi đã nộp hồ sơ xin việc ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhưng đều không được chấp nhận. Tương tự anh Trung, vì gặp khó khăn khi đi xin việc chị Trần Thị Thu Huệ, cử nhân Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đành phải tìm hiểu và mở cửa hàng kinh doanh rèm, màn tại phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên).

 

Theo ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội Người khuyết tật T.P Thái Nguyên: Hội hiện có 335 thành viên, trong đó khoảng 50-60% người ở độ tuổi lao động. Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ có duy nhất một người đang công tác tại Công ty Cổ phần hợp kim sắt Gang thép Thái Nguyên, những người còn lại đa số đều làm việc tại nhà hoặc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh do người khuyết tật mở ra.

 

Còn anh Dương Văn Bình, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thị xã Sông Công cho biết: Đa số các trường hợp NKT ở địa phương tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học không xin được việc làm trong các cơ quan, doanh nghiệp mà phải tự tìm kế mưu sinh thông qua việc mở cửa hàng, buôn bán ở địa phương. Rất nhiều NKT có trình độ, tay nghề đã mở cửa hàng sửa chữa điện tử, may mặc… tại nhà. Tuy nhiên, họ đang gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, người khuyết tật vẫn phải làm thủ tục vay vốn, thế chấp và chịu lãi suất như những người bình thường mà chưa được hưởng ưu tiên.

 

Được biết, để giúp NKT hòa nhập với cộng đồng và có động lực vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Cụ thể là đã tạo điều kiện thuận lợi để NKT được tham gia học các lớp dạy nghề: may mặc, tin học văn phòng, trồng, chế biến và bảo quản chè… Từ năm 2010-2014, thông qua Đề án đạo tạo nghề cho lao động nông thôn, 922 NKT trên địa bàn tỉnh đã được dậy nghề miễn phí. Và qua thống kê, khoảng 70% NKT có việc làm sau khi được dạy nghề.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng người được học nghề vẫn còn thấp, tỷ lệ tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn rất khiêm tốn và chủ yếu là tự tạo việc làm, số có thể tìm được việc làm trong các doanh nghiệp hầu như không đáng kể. Bên cạnh đó, một số trường hợp NKT đã làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất nhưng sau một vài tháng phải xin nghỉ vì sức khỏe giảm sút. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân được đưa ra là do cường độ lao động quá cao, môi trường, điều kiện làm việc tương đương với người khỏe mạnh khiến cho NKT khó có thể chịu được áp lực.

 

Ông Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, khâu nắm bắt thông tin và hiểu biết các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người khuyết tật cũng như sự quan tâm của các doanh nghiệp đến vấn đề giải quyết việc làm cho NKT còn nhiều hạn chế dẫn đến số lượng các đơn vị nhận NKT vào làm việc rất ít. Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT; đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, định hướng nghề… tạo điều kiện cho NKT phát huy khả năng của bản thân để ỏn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2015, tỉnh có kế hoạch mở 15 lớp dạy các nghề: đan lát thủ công; chế biến chè xanh, chè đen; điện dân dụng… cho khoảng 300 NKT, phấn đấu có khoảng 60% NKT sau khi được đào tạo tự tạo được việc làm mới hoặc cải thiện việc làm, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ kinh phí hoặc cho vay tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để NKT mua sắm thiết bị, dụng cụ hành nghề sau khi học nghề. NKT cũng sẽ được ưu tiên tư vấn học nghề và việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe, trình độ, khả năng lao động tại các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm…

 

Không thể phủ nhận, thời gian qua, tỉnh ta cũng đã có nhiều chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho NKT được hưởng các chế độ, chính sách, bảo trợ xã hội, giúp họ hòa nhập cuộc sống. Tuy nhiên, việc quan tâm, chăm lo cho NKT mới chỉ dừng lại ở việc làm tốt các chính sách bảo trợ xã hội, còn các vấn đề liên quan đến dịch vụ công, dạy nghề, tạo việc làm cho NKT vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để giải quyết việc làm cho NKT, giúp họ có sinh kế ổn định để hòa nhập cộng đồng rất cần sự quan tâm, nỗ lực của cả cộng đồng.