Dồn lực giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai V

Vi Vân 08:55, 04/03/2023

Nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển, huyện Phú Bình đang tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn có tuyến đường Vành đai V (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) đi qua tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB), đảm bảo Dự án được thực hiện đúng tiến độ.

Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và xã Tân Đức nghe bà con chia sẻ niềm vui khi có tuyến đường Vành đai V đi qua địa bàn.
Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Bình và xã Tân Đức nghe bà con nhân dân chia sẻ niềm vui khi có tuyến đường Vành đai V đi qua địa bàn.

Dự án đường Vành đai V được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3643/QĐ-UBND ngày 19/11/2021. Tuyến đường có tổng chiều dài 6,68km; điểm đầu có vị trí tại Km0+00 (giáp ranh giữa xóm Tân Lập, xã Tân Đức, huyện Phú Bình với xóm Khánh Châu, xã Phúc Sơn, tỉnh Bắc Giang); điểm cuối tại Km6+684,75 (giao với Quốc lộ 37 tại Km100+875). Công trình do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. 

Tuyến đường được thiết kế đường ô tô cấp II, vận tốc thiết kế 100km/h. Tùy từng đoạn mà bề rộng nền đường, bề rộng mặt đường và bề rộng phần xe chạy được thiết kế khác nhau. Hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, vỉa hè, cây xanh… được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Bình: Tuyến đường Vành đai V đi qua địa phận của huyện là dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau 2 tháng triển khai quyết liệt (từ tháng 1/2023), đến nay, về công tác thống kê, kiểm đếm… phần lớn bà con đều đồng tình, ủng hộ. Chúng tôi phấn đấu trong tháng 3 này sẽ cơ bản GPMB xong phần diện tích đất nông nghiệp và đất công cộng. Còn đối với phần diện tích đất ở, khi địa phương bố trí được tái định cư cho bà con, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện GPMB phần còn lại.

Ông Nguyễn Văn Bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức, cho hay: Sau khi nhận thông tin có tuyến đường Vành đai V đi qua địa bàn, chúng tôi đã triển khai tuyên truyền, vận động 255 hộ dân có diện tích đất nông nghiệp (trên 11ha) bị ảnh hưởng hiểu về ý nghĩa của Dự án. Từ đó đồng thuận với chủ trương chung của Nhà nước. Đến nay, các hộ cơ bản đồng tình, nhất trí để cơ quan chuyên môn tiến hành kê khai, kiểm đếm và sẵn sàng bàn giao mặt bằng.

Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Thành, người dân xóm Tân Ngọc, xã Tân Đức, phấn khởi Tôi thấy rất vui mừng vì địa phương có một tuyến đường rộng, đẹp đi qua. Điều này không những đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển mà còn giúp chúng tôi được hưởng lợi rất lớn từ tuyến đường. Gia đình tôi có gần 700m2 đất ruộng bị ảnh hưởng bởi Dự án, tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để tuyến đường được thi công sớm.

Còn tại xã Lương Phú, sau khi được chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động, hơn 200 hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi Dự án cũng đều đồng thuận với chủ trương chung. Đến nay, 181 hộ đã được UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nông nghiệp.

Dự án đường Vành đai V đi qua các xã Tân Đức, Lương Phú và thị trấn Hương Sơn của huyện Phú Bình, có tổng diện tích đất thu hồi GPMB là 28,43ha, với 598 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện nay, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm đếm được 563/598 hộ (đạt 94,1%); phê duyệt phương án bồi thường đất nông nghiệp của 386/598 hộ; đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với 367 hộ, số tiền 41,15 tỷ đồng, diện tích trên 13ha.

Kết quả trên một lần nữa khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB sẽ giúp Dự án sớm hoàn thành. Qua đó, đóng góp vào việc từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch chi tiết đường Vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hình thành trục Đông - Tây cấp cao, liên kết, kết nối Thái Nguyên và tỉnh Bắc Giang; tạo quỹ đất thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của địa phương…