Mỏ than Minh Tiến dừng khai thác: Người dân vẫn nơm nớp lo sạt lở

Hải Hằng 12:22, 24/05/2023

Dù Mỏ than Minh Tiến ngừng hoạt động đã lâu, nhưng mỗi mùa mưa bão về, người dân quanh khu vực (thuộc xã Na Mao và xã Phú Cường, huyện Đại Từ) vẫn nơm nớp nỗi lo về mối nguy hiểm thường trực vì còn sừng sững núi đất đá thải và moong nước treo lưng chừng núi...

Sau trận mưa to đêm 7-5, bà Lâm Thị Đức, xóm Ao Soi, xã Na Mao, lật đật trở về nhà để xem ngôi nhà của gia đình còn an toàn không. Vừa chỉ tay lên ngọn núi Hồng nằm chếch phía trước nhà, bà vừa nói: Núi đất đá cao thế kia, trên núi còn có cả hồ nước, nếu xảy ra sạt lở thì căn nhà của gia đình tôi có thể bị chôn vùi. Hơn 1 năm nay, chúng tôi luôn sống trong cảnh bất an. Gần đây, tôi đã phải đưa cả nhà đi tá túc nơi khác, chỉ có ban ngày về đây chăn nuôi, canh tác, tối lại đi, cực lắm vì có nhà mà không dám ở.

Ngôi nhà của bà Trần Thị Sinh, xóm Ao Soi, xã Na Mao, nằm trong vùng nguy hiểm nhưng chưa được di dời.
Ngôi nhà của gia đình bà Trần Thị Sinh, ở xóm Ao Soi, xã Na Mao (Đại Từ) nằm trong vùng nguy hiểm nhưng chưa được di dời.

Gia đình bà Trần Thị Sinh cũng từng ngày nơm nớp nỗi lo căn nhà của mình bị núi đất đá kia “nuốt chửng”. Ở đây từ năm 1979, từ khi Mỏ đi vào khai thác, gia đình bà phải sống chung với bụi than cùng những lo âu thấp thỏm. Nhà bà chỉ có 2 mẹ con, cậu con trai đi làm xa nhà thỉnh thoảng mới về. Hằng ngày, một mình bà ở trong căn nhà cấp 4, ruộng vườn cũng gần nên bà ít khi đi đâu xa. Mong muốn nhất hiện giờ của bà là được chuyển nhà đến nơi an toàn hơn để yên tâm sinh sống.

Ngoài hộ bà Đức, bà Sinh, còn nhiều hộ khác quanh khu vực Mỏ luôn sống trong bất an. Những tưởng, Mỏ than không còn khai thác thì người dân địa phương được trở lại cuộc sống bình yên, nhưng nguy cơ sạt lở núi đất đá thải còn đó khiến họ không thể yên tâm.

Mỏ than Minh Tiến của Công ty CP Yên Phước đã ngừng các hoạt động khai thác than từ tháng 9-2021 để phục vụ công tác điều tra của cơ quan Công an. Nhưng nguy cơ sạt lở và vỡ “bom” nước tạo ra từ quá trình hoạt động sai phép thì vẫn còn đó.

Hiện nay, khu vực moong đã ngừng khai thác nằm gần đỉnh núi Hồng vẫn tồn tại hồ nước lớn, thêm vào đó, khu vực đổ thải và tập kết than còn khối lượng rất lớn nằm trên sườn núi. Các hố lắng đuôi quặng khu vực chân bãi đổ thải nằm ở lưng chừng núi chứa nhiều bùn đất thải lâu ngày không được nạo vét, mất dần chức năng thu lắng...

Địa phương đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực gần Mỏ than Minh Tiến.
Địa phương đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực gần Mỏ than Minh Tiến.

Thực tế đó tiềm ẩn nguy cơ cao sạt lở đất bãi thải, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và canh tác của người dân trong khu vực, nguy hiểm nhất là 7 hộ dân xã Na Mao và 8 hộ thuộc xã Phú Cường. Hiện nay mới có 4 hộ di chuyển chỗ ở, các hộ còn lại vẫn sống gần chân bãi thải.

Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Huyện đã có những biện pháp giảm nguy cơ sạt lở như: Tạo những đường thoát nước dọc núi để giảm lượng nước trong moong, đổ đất đá giảm độ sâu của moong, hằng năm đều xây dựng phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khu vực mỏ... Nhưng việc giải quyết triệt để nguy cơ sạt lở ở đây thì còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, toàn bộ khu vực Mỏ than Minh Tiến do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03- Bộ Công an quản lý và bảo vệ. Công nhân của Mỏ không được vào khu vực Mỏ; phương tiện, máy móc cũng không được vận hành nên thiếu lực lượng, thiết bị để triển khai các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiên tai.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề, địa phương đã đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03- Bộ Công an tích cực phối hợp kiểm tra, rà soát, đánh giá các khu vực có nguy cơ sạt lở tại Mỏ, để kịp thời nắm bắt tình hình và có phương án đảm bảo an toàn; ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với UBND xã. Đồng thời phối hợp tạo điều kiện để Công ty CP Yên Phước, UBND xã Phú Cường và các đơn vị liên quan được sử dụng xe, máy, thiết bị thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Nếu cơ quan điều tra đã hoàn thành công tác điều tra thì phối hợp để sớm xử lý dứt điểm nguy cơ sạt lở.

Đối với những hộ dân nằm gần chân núi Hồng chưa được di dời khỏi nơi nguy hiểm, địa phương cần sớm hỗ trợ kinh phí di chuyển để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ án này đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố, chuyển Toà án nhân dân tỉnh xét xử trong thời gian tới. Do vậy, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho địa phương và đơn vị liên quan tiến hành các biện pháp khắc phục nguy cơ sạt lở; cho phép nhà thầu di chuyển phương tiện khỏi khai trường...