Tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa: Hai nhiệm vụ một mục tiêu

Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư 09:21, 24/05/2023

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa, tiến bộ xã hội, song song với mục tiêu phát triển kinh tế. Đảng ta cũng xác định: Phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên luôn kiên định mục tiêu này và hoạch định chiến lược phát triển phù hợp với từng giai đoạn.

Một góc trung tâm TP.Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: Đỗ Tuấn (TP. Thái Nguyên)
Một góc trung tâm TP.Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: Đỗ Tuấn (TP. Thái Nguyên)

Qua gần 30 năm phát triển kể từ khi tái lập tỉnh Thái Nguyên, với 6 kỳ đại hội (từ khóa XV đến khóa XX), Đại hội Đảng bộ tỉnh tiếp tục kế thừa, phát huy những định hướng xuyên suốt là phát triển đồng bộ cả bốn trụ cột chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với Đề án Phát triển tổng thể theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội... Thông qua đó nhằm thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh; quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các định hướng đó được thể hiện rõ trong công tác quy hoạch. Ngay từ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 (được phê duyệt năm 2007) đã nêu rõ: “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giảm dần khoảng cách giàu - nghèo giữa vùng nông thôn, vùng núi cao với vùng đô thị; tiếp tục thực hiện xoá đói, giảm nghèo...”.

Trong 14 mục tiêu cụ thể được tỉnh đặt ra đến năm 2020, có 6 mục tiêu về các lĩnh vực văn hóa - xã hội, 5 mục tiêu phát triển kinh tế, 3 mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển đô thị. Điều này cho thấy, tỉnh không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mà luôn kiên định mục tiêu phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt năm 2015) tiếp tục kế thừa các giá trị cốt lõi của thời kỳ trước, đồng thời bổ sung các quan điểm mới, đó là: Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nội lực là chính kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài; thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy yếu tố con người, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...

Cầu Huống Thượng - cây cầu có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh  Thái Nguyên sắp được hoàn thiện.
Cầu Huống Thượng - cây cầu có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay, sắp được hoàn thành. Ảnh: T.L

Sau gần 30 năm phát triển kể từ khi tái lập tỉnh, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/3/2023 đã đưa ra 5 quan điểm phát triển, 6 đột phá chiến lược và 3 mục tiêu tổng quát đến năm 2030. Trong đó: “Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc”. Với tầm nhìn đến năm 2050: “Phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng”.

Để cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển dài hạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên đã phối hợp cùng các sở, ban, ngành tham mưu với UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Trong đó, số chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội luôn chiếm trên 40% trong tổng số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu.

Các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tập luyện cho Lễ Khai mạc Ngày hội.
Các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tập luyện cho một chương trình. Ảnh: T.L

Qua 5 kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khóa XV đến khóa XIX và hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997-2022 đạt 8,92%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp; thu ngân sách tăng từ hơn 200 tỷ đồng năm 1997 lên trên 19 nghìn tỷ đồng vào năm 2022 (gấp gần 100 lần). Từ năm 2023, Thái Nguyên là 1 trong 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối thu - chi và có điều tiết ngân sách về Trung ương.

Những thành tựu trên là cơ sở để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, chúng ta còn một số việc cần phải làm, như: Khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, phương án phát triển đề ra theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; quyết tâm thực hiện mục tiêu “Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc”.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tạo sự thay đổi đột phá về nhận thức, phương thức hoạt động và quản lý xã hội theo hướng hiện đại, văn hóa, văn minh.

Trong hơn 2 năm qua, thành quả của hoạt động chuyển đổi số đã được thể hiện rất rõ trong thực tiễn. Việc phân bổ nguồn lực đầu tư qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo phát triển hài hòa các trụ cột kinh tế - văn hóa - xã hội; tăng cường thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục... Song song với đó là phát triển văn hóa dựa trên các lợi thế đặc trưng của tỉnh, đồng thời xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.