Hôm nay (18-5), Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”, nhằm khẳng định ý nghĩa to lớn của Đề cương về văn hóa năm 1943 trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo Thái Nguyên điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS-Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc, về nội dung này.
Thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Thái Nguyên sẽ nhanh chóng vươn lên tầm cao mới. |
Định hướng phát triển bền vững văn hóa trong Quy hoạch
Tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Nội dung Đề cương về văn hóa Việt Nam gồm 5 phần: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Macxit Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Macxit Việt Nam.
Trải qua 80 năm kể từ ngày ra đời, nhiều quan điểm, định hướng quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã được Đảng, Nhà nước ta kế thừa, bổ sung, phát triển và làm sâu sắc hơn. Đề cương về văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển.
Với cách đặt vấn đề về quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã xác định “Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựa trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia” (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc). Nhận thức trên đã xác lập nền tảng quan trọng để xây dựng định hướng phát triển bền vững văn hóa trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về quan điểm phát triển lĩnh vực văn hóa và thể thao, Quy hoạch tỉnh đã quán triệt 5 quan điểm trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa mục tiêu tổng quát và 5 mục tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển văn hóa, con người phù hợp với các chỉ tiêu phát triển theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Các định hướng chủ yếu về phát triển văn hóa, thể thao trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ xác định tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023, bao gồm: Phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển văn hóa, nâng cao hiệu quả công tác gia đình, đảm bảo giữ gìn bản sắc của vùng đất và con người Thái Nguyên; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; tập trung bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của tỉnh; ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp, các di tích có giá trị phát triển du lịch.
Mặt khác, tập trung xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
Sau 80 năm kể từ ngày ra đời, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục khẳng định ý nghĩa to lớn và các giá trị nổi bật mang tính lịch sử và thời đại. Các ý nghĩa và giá trị đó đang được phát huy trong quá trình xây dựng và thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chương trình nghệ thuật do Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên dàn dựng và biểu diễn tại Lễ khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2023. Ảnh: Lăng Khoa |
Những khát vọng hướng tới
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023.
Theo đó, những nội dung chính đã được phê duyệt bao gồm: Phạm vi, ranh giới quy hoạch; quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và các đột phá phát triển; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phương án phân bố và khoanh vùng đất đai; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; nguồn lực và các nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện Quy hoạch; bản đồ Quy hoạch và cơ sở dữ liệu Quy hoạch tỉnh.
Nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện 6 quan điểm, phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của cả nước; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030; các quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng cùng thời kỳ quy hoạch và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, với phương châm: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Từ những quan điểm trên, trong Quy hoạch tỉnh đã xác định tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Thái Nguyên là “Phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng”.
Với tầm nhìn như vậy, mục tiêu tổng quát phát triển tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ quy hoạch là “Xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội về sản xuất điện, điện tử, cơ khí, chế tạo trình độ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời là một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội”.
Để cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu tổng quát trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền cùng sự tham gia của nhân dân, tỉnh Thái Nguyên cần phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để hiện thực hóa khát vọng cao đẹp: Phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Từ đó, xây dựng tỉnh Thái Nguyên “Bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện”, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khi Người về thăm Thái Nguyên ngày 1/1/1964: "Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc."
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin