Thu hồi đất và bài toán giải quyết việc làm cho nông dân (kỳ II)

Nhóm P.V 15:35, 10/05/2023

Kỳ II: Làm gì để nông dân không bị bỏ rơi?

Để khắc phục những tồn tại trong giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, ngoài chính sách chung của Nhà nước, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế ở từng địa phương. Qua đó giúp người dân có sinh kế lâu dài, để họ không bị "bỏ rơi" sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án. 

Sau khi bị thu hồi một phần diện tích đất nông nghiệp, gia đình chị Vũ Thị Tú Hạnh, ở tổ dân phố Bến Vượng, phường Thắng Lợi (TP. Sông Công) chuyển hướng sang đầu tư chăn nuôi gia súc.

Nêu cao vai trò của địa phương

Từ thực tế cho thấy, mặc dù đã được hỗ trợ bằng nhiều hình thức nhưng hiện nay, nhiều hộ dân bị thu hồi đất vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Vì thế, các địa phương trong tỉnh đã có những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Bà Hà Thị Bài, người dân xã Tân Quang (TP. Sông Công): Tôi mong muốn chính quyền địa phương đề nghị doanh nghiệp lấy đất tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người lao động có việc làm. Trong đó có giải pháp đào tạo, hướng dẫn nâng cao trình độ tay nghề để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, thay vì làm việc thời vụ như hiện nay.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, cho biết: Cùng với việc chủ động kết nối, giới thiệu người lao động vào làm việc tại các công ty, nhà máy, huyện cũng ưu tiên bố trí nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ bị thu hồi đất để phát huy hiệu quả phần diện tích đất nông nghiệp còn lại. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tư vấn, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn tiền có được từ việc đền bù, giải phóng mặt bằng để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, từ năm 2018 đến tháng 4-2023, toàn huyện Phú Bình đã triển khai thực hiện 1.660 dự án từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động, với số tiền giải ngân trên 82 tỷ đồng. Qua đó giúp giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động nông thôn. Cũng từ nguồn vốn này, nhiều hộ nông dân đã phát triển được mô hình kinh tế hiệu quả và nâng cao thu nhập.

Còn tại TP. Phổ Yên, với lợi thế có các khu, cụm công nghiệp đứng chân trên địa bàn, hàng năm, địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm tại các xã, phường. Trong đó tập trung ở các địa phương có diện tích đất bị thu hồi nhiều (như: Hồng Tiến, Đồng Tiến, Tân Phú...) nhằm đáp ứng nhu cầu về việc làm cho người lao động. Kết quả, đến nay có hơn 4.000 lao động địa phương đang làm việc tại các công ty, nhà máy trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân đạt 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Để góp phần ổn định đời sống của người dân sau khi thu hồi đất, trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, TP. Phổ Yên cũng xây dựng kế hoạch, triển khai phương án tái định cư cụ thể, chi tiết đến từng trường hợp, ưu tiên bồi thường vị trí xây dựng hạ tầng tái định cư trước, việc thu hồi đất, giải phóng các vị trí còn lại trong quy hoạch dự án được thực hiện sau...

Trên 700 học sinh được tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp tại Ngày hội việc làm - kết nối khởi nghiệp huyện Phú Bình năm 2023.

Những giải pháp mang tính bền vững

Ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Nga My (Phú Bình): Với đặc thù là xã thuần nông, chính quyền địa phương mong muốn, bên cạnh việc tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, người dân cũng được “cầm tay chỉ việc” để có thêm kiến thức về sản xuất, kinh doanh, giúp bà con tự tạo việc làm, ổn định đời sống sau khi bị thu hồi đất. 

Theo ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thái Nguyên hiện có hơn 1,3 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm 61%. Xác định việc đào tạo nghề và nâng cao trình độ cho người lao động (đặc biệt là lao động vùng nông thôn) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không ngừng nâng cao chất lượng công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tạo điều kiện cho người dân được tư vấn, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng...

Theo thống kê, giai đoạn 2020-2022, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 8.700 lao động nông thôn.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã chủ động trong công tác tuyển sinh, tăng cường phối hợp, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng, cung cấp nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên, học viên sau đào tạo.

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh: Trước khi tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động bị thu hồi đất, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác khảo sát nhu cầu của người học dựa trên các tiêu chí về độ tuổi, điều kiện tự nhiên ở từng địa phương để có kế hoạch đào tạo phù hợp, hiệu quả nhất.

Ví dụ như tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (TP. Sông Công), Nhà trường đã thiết lập mối quan hệ với 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sinh viên được học tập, trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp. Trong chương trình đào tạo, thời gian thực hành chiếm tới 70%, nên sau khi tốt nghiệp sinh viên tự tin hơn khi tham gia môi trường lao động sản xuất.

Đặc biệt, từ năm 2019, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đã tổ chức đào tạo thí điểm chương trình chuyển giao công nghệ của Đức đối với nghề cắt gọt kim loại ở cấp độ quốc tế, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp theo công nghệ 4.0.

Từ thực tế cho thấy, để tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, các ngành nghề truyền thống để thu hút người lao động.

Cùng với đó là triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, tăng cường rà soát tình hình lao động mất việc làm, thiếu việc làm, kết nối cung - cầu lao động để tạo ra nhiều việc làm mới trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Song song với những giải pháp nêu trên, mỗi người dân cũng được khuyến khích về việc thay đổi tư duy, chủ động tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu thực tế, bắt kịp xu thế hiện nay để đảm bảo đời sống, thu nhập…